Hai tàu Hải quân Ấn Độ thăm xã giao Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung - Đông Âu... là những sự kiện nổi bật ngày 13.4.
TRONG NƯỚC
Trong khuôn khổ chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019, sáng 13.4 (tức ngày 9.3 âm lịch), tại sông Lô, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 và UBND TP Việt Trì tổ chức Lễ hội bơi chải thuyền thống trên sông Lô. Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô là lễ hội bơi chải có truyền thống lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật bơi chải, quảng bá tiềm năng du lịch; qua đó phục dựng, chuẩn hóa nghi thức tổ chức lễ hội truyền thống, là căn cứ để xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong ảnh: Đông đảo du khách thập phương đến xem Lễ hội bơi chải thuyền thống trên sông Lô. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, sáng 13.4, hai tàu INS KOLKATA và INS SHAKTI của Hải quân Ấn Độ với 735 sĩ quan và thủy thủ, do Đại tá Hara Aditya, thuyền trưởng tàu INS KOLKATA làm trưởng đoàn đã cập Cảng Quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), bắt đầu chuyến thăm xã giao Việt Nam từ ngày 13 - 16.4. Chuyến thăm của đoàn diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ quốc phòng giữa hai nước nói riêng không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là hoạt động cụ thể triển khai các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong ảnh: Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa và Vùng 4 Hải quân chụp ảnh lưu niệm với đại diện hai tàu Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN
Ngày 13.4, tại Cần Thơ, Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ VIII năm 2019 chính thức khai mạc. Có 84 nghệ nhân đến từ 13 tỉnh, thành trong cả nước đăng ký dự thi 70 loại bánh. Theo Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi được chấm dựa trên các tiêu chí như hình thức bắt mắt, ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm và tính sáng tạo. Ban tổ chức khuyến khích các nghệ nhân làm mới, biến tấu, cải tiến các loại bánh dân gian phù hợp với khẩu vị hiện tại, trên tinh thần bảo tồn, phát huy “hồn quê” của các loại bánh dân gian Nam Bộ. Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ 2019 diễn ra đến ngày16.4. Kết quả sẽ được công bố trong Lễ bế mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ. Trong ảnh: Các loại bánh dân gian Nam Bộ được bày bán phục vụ du khách tại lễ hội. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN
Theo thông tin phát đi từ Bộ Công an ngày 13.4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh khám xét đối với Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thông tin từ Bộ Công an cho hay, qua điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 26/C46-P13 ngày 10.7.2018, căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 12.4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án số 09/C03-P14 về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 354 và tội “Đưa hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong ảnh: Bị can Phạm Nhật Vũ. Ảnh: TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 12.4, tại Washington D.C, Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã tổ chức Đối thoại An ninh Năng lượng Việt-Mỹ lần thứ hai. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng Francis R. Fannon và Thứ trưởng Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An cùng các đại diện liên ngành từ cả hai nước đã tái khẳng định cam kết của Mỹ và Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đã ký hợp đồng tư vấn về nghiên cứu hệ thống tích điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Phái đoàn Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Thu Huyền - TTXVN
Trong khuôn khổ chuyến thăm Croatia, ngày 12.4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (còn gọi là Cơ chế Hợp tác 16+1) diễn ra tại thành phố Dubrovnik (Croatia). Tại hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cùng lãnh đạo các nước trong khu vực thảo luận biện pháp thúc đẩy kinh doanh, đồng thời cam kết Trung Quốc sẵn sàng mở cửa nền kinh tế và tôn trọng các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU). Trong ảnh: Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc lần thứ 8 ở Dubrovnik, Croatia, ngày 12.4. Ảnh: THX/TTXVN
Luật sư của Đoàn Thị Hương, ông Naran Singh ngày 13.4 cho biết cô sẽ được trả tự do vào ngày 3.5 tới. Trong tin nhắn điện thoại gửi cho hãng Kyodo, ông Singh cho biết cơ quan quản lý các nhà tù ở Malaysia đã khẳng định rằng Đoàn Thị Hương, 30 tuổi, sẽ được thả khỏi trại giam nữ phạm nhân ở Kajang, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 3.5. Trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại hồi năm 2017, Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tội danh cố ý gây thương tích bằng "các phương tiện nguy hiểm", thay vì tội danh giết người. Trong ảnh: Cảnh sát Malaysia áp giải Đoàn Thị Hương ra tòa Thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor ngày 1.4. Ảnh:THX/TTXVN
Nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12.4 đã thảo ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ euro (22,6 tỷ USD) có thể bị áp thuế, nguyên nhân vì vụ tranh chấp xuyên Đại Tây Dương về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay. EC dự kiến sẽ công bố danh sách này vào ngày 17.4, đồng thời sẽ bắt đầu một quá trình tham vấn công khai, sau đó danh sách này có thể được điều chỉnh. Trước đó, hôm 9.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với các sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 11 tỷ USD với cáo buộc châu Âu trợ cấp không công bằng cho nhà sản xuất máy bay Airbus. Trong ảnh (tư liệu): Máy bay A380 của Airbus được sản xuất tại nhà máy ở Blagnac, miền nam nước Pháp, ngày 21.3.2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn chính thức của Sudan (SUNA) đưa tin, ngày 12.4, ông Abdel-Fattah al-Burhan Abdel-Rahman đã tuyên thệ theo hiến pháp để nhậm chức Chủ tịch hội đồng quân sự chuyển tiếp. Ông Abdel-Rahman đã kế nhiệm tướng Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf vừa thông báo từ nhiệm trước đó cùng ngày. Ông Abdel-Rahman sẽ lãnh đạo hội đồng quân sự chuyển tiếp điều hành đất nước trong giai đoạn 2 năm. Cùng ngày, Chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), một bộ phận của quân đội Sudan, đã thông báo từ chối tham gia Hội đồng quân sự chuyển tiếp. Trang web chính thức của RSF đăng tải thông cáo của RSF nêu rõ: "Chúng tôi vẫn sẽ là một bộ phận của Các Lực lượng vũ trang và sẽ hành động vì sự thống nhất của đất nước, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ người dân Sudan". Trong ảnh (tư liệu): Các thành viên Lực lượng Phản ứng nhanh Sudan sau khi giành lại quyền kiểm soát khu vực Daldako, gần thủ phủ Kadugli, bang Nam Kordofan (Sudan). Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13.4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số người tử vong vì dịch Ebola tại CHDC Congo đã vượt quá 750 người. Tính đến ngày 9.4, gần 1.200 trường hợp nhiễm virus Ebola đã được xác định tại các tỉnh bị ảnh hưởng là Bắc Kivu và Ituri, với 751 người tử vong. Hội Chữ thập đỏ cho biết, sự lây lan của dịch bệnh đang gia tăng, trong khi Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) cảnh báo rằng các phản ứng của quốc tế nhằm kiểm soát dịch bệnh đã thất bại. Theo đánh giá của WHO, tình hình an ninh bất ổn - do sự hiện diện của các nhóm vũ trang, cùng với phản ứng tiêu cực của một số cộng đồng đã cản trở việc kiểm soát dịch bệnh lây lan. Trong ảnh (tư liệu): Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola tại Beni, CHDC Congo ngày 15.8.2018. Ảnh: AFP/TTXVN