Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân; Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh... là những sự kiện nổi bật ngày 12.7.
TRONG NƯỚC
Sáng 12.7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân dự kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12.7.1946-12.7.2021) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Chiều 12.7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân trao quyết định thăng quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng đối với đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng đối với đồng chí Vũ Hải Sản, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất cho lực lượng An ninh nhân dân sáng 12.7. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Sáng 12.7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì phiên họp thứ 8 của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Chiều 12.7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 8 của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Chiều 12.7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp trực tuyến với lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm: Bến Tre, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Tiền Giang và Cần Thơ nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh tại các địa phương này. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Ngày 12.7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 14/CĐ-CTUBND về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từ 0 giờ ngày 13.7 dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, bao gồm: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Cũng từ 0 giờ ngày 13.7, thành phố áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP Hồ Chí Minh và các vùng dịch. Trong ảnh: Nhân viên y tế quận Hoàn Kiếm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp trở về từ TP Hồ Chí Minh chiều 10.7. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã triển khai gấp rút một loạt các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Từ ngày 7.7, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 (khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức) quy mô 3.000 giường đi vào hoạt động, tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng mỗi ngày. Trong điều kiện cơ sở y tế được cải tạo gấp rút từ các chung cư dân sinh và lượng bệnh nhân tiếp nhận ngày càng nhiều đòi hỏi những quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân thành phố. Trong ảnh: Các bác sỹ thăm khám bệnh nhân nhiễm COVID-19 không triệu chứng có bệnh nền. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Từ 00 giờ ngày 12.7, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) chính thức được gỡ bỏ phong toả sau 21 ngày kể từ khi phát hiện ca dương tính COVID-19 đầu tiên. Đến nay, tình hình dịch bệnh tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên đã cơ bản được khống chế, nhiều ngày liên tục không phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Tính từ ngày 12.6 đến nay, thị xã Tân Uyên đã có tổng cộng 174 ca F0, 999 ca F1 và 3.255 ca F2 (riêng phường Tân Phước Khánh có 48 ca F0). Trong ảnh: Phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) chính thức được gỡ bỏ phong toả sau 21 ngày. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN
Ngày 12.7, thông tin từ công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, vừa triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền mà các con bạc tham gia cá độ là hơn 2 tỷ đồng/ngày. Đây cũng là đường dây đánh bạc lớn nhất từ đầu mùa Euro 2020 và giải vô địch bóng đá Nam Mỹ 2021 bị phát hiện, bắt giữ. Cầm đầu đường dây cá độ bóng đá này là Nguyễn Thành Quân, sinh năm 1994, trú tại số nhà 7/118, phố Phan Bội Châu, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Quân lập trang Web www.3in1bet.com và quản lý đầu Master có ký hiệu là b90901 sau đó chia thành các tài khoản cấp dưới để tổ chức cho các đối tượng đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Trong ảnh: Tang vật vụ án. Ảnh: Duy Hưng - TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 12.7, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 2 (kỳ họp chuyên đề) xem xét, thông qua các nghị quyết quan trọng về đầu tư công. Kỳ họp đã xem xét báo cáo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của tỉnh. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh tiến hành thông qua 19 nghị quyết. Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong thời gian tới. Đồng chí yêu cầu các đại biểu HĐND tỉnh, UBND các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án, công trình đã bố trí vốn; tập trung nguồn lực tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm đã triển khai để bảo đảm đúng tiến độ. Nơi nào, ngành nào, khâu nào... gây ra điểm nghẽn, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ kiểm điểm trách nhiệm các đồng chí đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị đó. Thực hiện đổi mới phương pháp phân bổ vốn đầu tư công thực sự mạnh mẽ, đột phá... Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Thành Chung
QUỐC TẾ
Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nhân 5 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông (12.7.2016), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại quan điểm khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã đề ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ mang lại lợi ích cho tất cả các nước trên thế giới. Theo ông Blinken, Chính quyền Tổng thống Joe Biden giữ nguyên lập trường của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, theo đó bác bỏ gần như tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 12.7, khu vực thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và vùng phụ cận đã bắt đầu thực hiện các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước này. Các quy định mới sẽ được thực hiện trong 2 tuần. Theo đó, cấm tụ tập từ 3 người trở lên sau 18 giờ; các trường học sẽ đóng cửa; đám cưới và đám tang chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình. Các cơ sở thể thao, giải trí, trong đó có câu lạc bộ đêm, quán rượu phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng được phục vụ khách đến 22 giờ. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Seoul, Hàn Quốc trước khi quy định giãn cách xã hội mức cao nhất được áp dụng, ngày 11.7. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Rạng sáng 12.7, tuyển Italia đã đánh bại Anh 3-2 ở loạt sút luân lưu (hòa nhau 1-1 sau 120 phút thi đấu) ở trận chung kết để đăng quang chức vô địch Euro 2020. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử Italia lên ngôi vô địch Euro sau lần đầu vào năm 1968. Còn tuyển Anh, họ lại tiếp tục phải chờ thêm ít nhất 3 năm nữa mới có cơ hội lần đầu tiên trong lịch sử đăng quang ở đấu trường này. Trong ảnh: Phút đăng quang vô địch EURO 2020 của các tuyển thủ Italia sau khi đánh bại đội chủ nhà Anh trên sân Wembley ở London. Ảnh: THX/TTXVN