Thống nhất cao trong xây dựng Đề án về Nhà nước pháp quyền; Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp... là những sự kiện nổi bật ngày 11.8.
TRONG NƯỚC
Ngày 11.8, tại trụ sở Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Hội đồng Lý luận Trung ương. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 11.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Tiếp tục phiên họp thứ 14, ngày 11.8, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với đại biểu bên lề phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Ngày 11.8, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị các giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau”. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” Đỗ Văn Chiến dự và phát biểu tại Hội nghị. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo của doanh nghiệp với bản thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Ngày 11.8, chuỗi Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam lần thứ 26; Triển lãm Quốc tế Thiết bị công nghệ chế biến bao bì Thực phẩm và đồ uống Việt Nam lần thứ 26 (Vietfood & Beverage - Propack 2022) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Chuỗi triển lãm do Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad) phối hợp với Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức. Khoảng 350 doanh nghiệp với 400 gian hàng đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ trưng bày quảng bá sản phẩm - thương hiệu, giới thiệu máy móc thiết bị, công nghệ chế biến, đóng gói... tại chuỗi triển lãm này. Trong ảnh: Đại diện bộ, ngành, hiệp hội và Ban tổ chức tham quan khu vực gian hàng quốc gia của các nước tại chuỗi triển lãm Vietfood & Beverage - Propack 2022. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Hữu Thái (30 tuổi), Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ địa ốc Thăng Long Real có địa chỉ tại khu dân cư Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trước đó, nhiều người dân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng và cơ quan công an tố cáo Nguyễn Hữu Thái có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản thông qua việc góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản và chuyển nhượng bất động sản tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng. Trong ảnh: Nguyễn Hữu Thái tại cơ quan chức năng. Ảnh: TTXVN
Ngày 11.8, lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thông tin, đơn vị phối hợp với công an huyện Hương Khê vừa bắt quả tang 1 đối tượng có hành vi tràng trữ, vận chuyển 200 kg pháo hoa nổ trái phép. Đối tượng là Trương Ngọc Thứ, sinh năm 1985, trú tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bước đầu Thứ khai nhận mua số pháo hoa nổ nói trên của một người Lào ở khu vực biên giới, sau đó mang về bán kiếm lời. Trong ảnh: Đối tượng Thứ cùng tang vật. Ảnh: TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 10.8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật nhằm mở rộng quyền lợi cho hàng triệu cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc trong chiến tranh và để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe. Đạo luật "Giải quyết toàn diện vấn đề chất độc" (PACT) cũng nhằm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với nhiều tình trạng liên quan phơi nhiễm chất độc, theo đó cựu chiến binh không phải chứng minh bệnh tật của họ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) sau khi ký ban hành đạo luật "Giải quyết toàn diện vấn đề chất độc" (PACT) tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 11.8, quan chức Liên hợp quốc cho biết 12 tàu chở ngũ cốc đã được phép rời các cảng của Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến Biển Đen - thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được Ukraine và Nga ký hồi tháng 7 vừa qua dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu họp báo qua video từ Thổ Nhĩ Kỳ, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Trung tâm Điều phối chung về Sáng kiến Biển Đen - ông Frederick Kenney - cho biết những tàu này chở hơn 370.000 tấn ngũ cốc và các loại lương thực khác. Trong ảnh: Tàu Glory của quốc đảo Marshall chở 66.000 tấn ngũ cốc rời cảng Chornomorsk, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10.8, Thị trưởng TP Seoul (Hàn Quốc) Oh Se-hoon đã công bố các biện pháp phòng chống lũ lụt trung và dài hạn, trong đó có việc xây dựng hệ thống chứa và thoát nước mưa dưới lòng đất tại 6 khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt. Theo đó, chính quyền thành phố sẽ chi 1.500 tỷ won (1,15 tỷ USD) trong thập kỷ tới để xây dựng 6 hệ thống chứa và thoát nước mưa quy mô lớn sâu dưới lòng đất. Hệ thống ống thoát nước với đường kính khoảng 10 m được đặt ở độ sâu từ 40-50 m dưới lòng đất. Trong ảnh: Mưa lớn gây ngập lụt tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN