Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Thanh Hà đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới... là những sự kiện nổi bật ngày 10.5.
TRONG NƯỚC
Chiều 10.5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Từ ngày 4-10.5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 5 để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. Đây là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Những ngày này, người dân địa phương và du khách khi đến Nice (Pháp) không chỉ được tận hưởng trời xanh, biển biếc, nắng vàng, mà còn được chiêm ngưỡng tranh, tượng và một số kỷ vật của vua Hàm Nghi, một trong những vị vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến bị thực dân Pháp bắt đưa đi lưu đày ở Algérie. Với chủ đề “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, ông hoàng An Nam (1871-1944)”, cuộc triển lãm nhằm giới thiệu tới công chúng những trang lịch sử nói chung và lịch sử nghệ thuật nói riêng của một vị vua nước Việt ít được biết đến. Khoảng 150 tranh, ảnh, hiện vật của vua Hàm Nghi đang được trưng bày trong triển lãm này tại Bảo tàng nghệ thuật châu Á ở TP Nice, miền Nam nước Pháp. Triển lãm kéo dài đến hết tháng 6.2022. Trong ảnh: Một góc triển lãm “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, ông hoàng An Nam (1871-1944)”, tại Nice (Pháp). Ảnh: Thu Hà - TTXVN
Thời tiết nắng nóng kèm theo những cơn mưa đầu mùa đến sớm là điều kiện lý tưởng để các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Chuyên gia dự báo, năm nay các dịch bệnh đặc hữu như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ phức tạp hơn sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sự gia tăng trở lại của sốt xuất huyết, tay chân miệng đang đe doạ sức khoẻ của người dân, nhất là trẻ em. Hiện các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến khám và điều trị, trong đó nhiều trường hợp bệnh nặng phải cấp cứu tích cực. Trong ảnh: Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Ngày 10.5, Công an TP Thái Nguyên thông tin vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trương Đức Thưởng, sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú xóm Sộp, xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên và Nguyễn Quang Ngọc, sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên về tội “Cướp giật tài sản”. Theo đó, khoảng từ tháng 4 đến đầu tháng 5.2022, Thưởng và Ngọc đã thực hiện 13 vụ cướp giật điện thoại di động trên các tuyến đường ở địa bàn TP Thái Nguyên đem bán để lấy tiền mua ma túy và tiêu xài cá nhân. Trong ảnh: Đối tượng Ngọc và tang vật phạm tội tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN
Ngày 10.5, Bộ đội Biên phòng phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh Kon Tum tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ bắt giữ ma túy đá vừa phát hiện tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Trước đó, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 9.5. lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang, thu giữ 1 túi ni lông chứa chất rắn dạng tinh thể màu trắng, trọng lượng khoảng 01 kg, bắt giữa 2 đối tượng là Đinh Trọng Hiếu (28 tuổi), thường trú tại thôn Đăk Tang, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và Vi Văn Nhớ (35 tuổi), thường trú tại thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Được biết Đinh Trọng Hiếu là đối tượng đang bị truy nã, theo Quyết định truy nã bị can số 01, ngày 1.2.2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Thầy về tội “Chống người thi hành công vụ”. Hiên tại các đơn vị đang hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Các đối tượng và tang vật bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN
Từ đêm 9.5 đến sáng 10.5, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xuất hiện cơn mưa lớn, liên tục, khiến nhiều nơi ở một số huyện, thành phố bị ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở đất đá và nhiều diện tích lúa hoa màu của người dân bị ngập sâu trong nước. Tại TP Lạng Sơn, nhiều điểm khu dân cư bị ngập nước nước từ 30-70cm. Một số tuyến đường ở trung tâm thành phố như: Trần Phú, Mỹ Sơn, Ngô Quyền… nước không thoát kịp gây ngập úng, giao thông đi lại khó khăn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, các địa phương trong tỉnh kịp thời thông tin cảnh báo đến tất cả đối tượng bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó; đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo tại các tràn, tuyến đường ngập lụt, khu vực nguy cơ cao về sạt lở. Trong ảnh: Rau màu bị ngập úng nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN
TRONG TỈNH
QUỐC TẾ
Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 10.5 đã tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ được tổ chức trang trọng tại quảng trưởng trụ sở Quốc hội ở thủ đô Seoul. Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Yoon cam kết xây dựng đất nước Hàn Quốc phát triển thịnh vượng trên nền tảng dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường. Trong ảnh: Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức ngày 10.5 tại quảng trưởng trụ sở Quốc hội ở Thủ đô Seoul. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Tương lai châu Âu đã đưa ra những đề xuất về cải cách Liên minh châu Âu (EU) tại phiên bế mạc ngày 9.5 tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp), đúng Ngày châu Âu. Trong buổi lễ bế mạc, Chủ tịch EP, Roberta Metsola, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron- thay mặt cho Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, đã nhận báo cáo tổng kết các kết luận của Hội nghị từ Ban điều hành. Báo cáo tập trung vào 49 đề xuất, gồm các mục tiêu cụ thể và hơn 320 biện pháp cho các tổ chức EU về 9 chủ đề. Trong ảnh (từ trái sang): Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch EP, bà Roberta Metsola và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo tại phiên bế mạc Hội nghị tương lai châu Âu ngày 9.5. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này thiệt hại khoảng 170 triệu USD mỗi ngày do xung đột khiến Kiev không thể tiếp cận các cảng biển và năng lực xuất khẩu quốc gia đã giảm hơn một nửa. Người đứng đầu Chính phủ Ukraine đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại thành phố cảng Odesa, miền Nam nước này, cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, người có chuyến thăm Ukraine ngày 9.5. Trong ảnh: Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10.5, quân đội Sri Lanka đã sơ tán Thủ tướng vừa từ chức của nước này Mahinda Rajapaksa từ tư dinh ở Thủ đô Colombo đến nơi an toàn, sau khi hàng nghìn người biểu tình phá cổng chính. Những người biểu tình đã cố xông vào ngôi nhà 2 tầng, nơi ông Rajapaksa đang ở cùng người thân. Ít nhất 10 quả bom xăng đã được ném vào khu nhà. Một quan chức an ninh cấp cao Sri Lanka cho biết quân đội đã nhanh chóng đưa ông Rajapaksa và gia đình đến nơi an toàn. Trong ảnh (tư liệu): Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa phát biểu tại Colombo. Ảnh: AFP/TTXVN