Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư là một trong những sự kiện nổi bật ngày 1.11
TRONG NƯỚC
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 1.11, tại Thủ đô Bắc kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư. Tại cuộc hội kiến, hai bên bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển tích cực, lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian qua. Hai bên nhất trí trong giai đoạn phát triển mới của hai Đảng, hai nước và bối cảnh quốc tế hiện nay, cần tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, duy trì thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, phục hồi phát triển, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vật chất, động lực cho sự phát triển của quan hệ hai nước; phối hợp đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững, tăng cường hợp tác trong việc bảo đảm duy trì ổn định chuỗi cung ứng; phối hợp và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do;tăng cường kết nối chiến lược phát triển, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, khu vực quốc tế; cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN
Ngày 1.11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik và Công nương phu nhân Mary Elizabeth đang thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử kế vị Frederik và Công nương phu nhân. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy Việt Nam và Đan Mạch đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều năm qua, bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt mà Hoàng gia, Chính phủ, người dân Đan Mạch dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tới Nữ hoàng Margrethe II, đồng thời chúc mừng những thành tựu phát triển của đất nước Đan Mạch, một trong các quốc gia đứng đầu thế giới về tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik và Công nương Phu nhân Mary Elizabeth. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Tiếp tục Kỳ họp thư 4 Quốc hội khóa XV, sáng 1.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trong ảnh: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 31.10, tại Thủ đô Paris, Nhà đấu giá Millon mở các phiên bán đấu giá trên 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, hoặc liên quan đến Việt Nam. Trong số này có gần 100 cổ vật là bình, bát, đĩa sứ, chai lọ, lư hương, tượng đồng… có niên đại từ thế kỷ XVIII, XIX, hơn 150 tác phẩm nghệ thuật tranh lụa, sơn dầu, sơn mài của nhiều cố họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Phố, Mai Trung Thứ... và khoảng 50 đồ vật chạm khảm. Nhiều cổ vật quý triều Nguyễn như huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại cũng được đưa ra đấu giá lần này, trong đó đặc biệt có chiếc Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng và chiếc bát vàng thời vua Khải Định mang giá trị lịch sử cao. Trong ảnh: Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng được hãng Millon dự kiến đưa ra đấu giá ngày 10.11.2022. Ảnh: TTXVN
Ngày 1.11, tại Hội quán Nghĩa An, TP Hồ Chí Minh, Ban Đại diện Phật giáo người Hoa TP Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Đại lễ Trai Đàn cầu an “Vạn nhân duyên đại pháp hội” năm 2022, nhằm cầu quốc thái dân an, cầu nguyện vong linh các anh hùng liệt sỹ, cán bộ, chiến sỹ hy sinh và đồng bào tử nạn trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Trong ảnh: Nghi thức dâng hương cầu quốc thái dân an. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Ngày 1.11, Giải Cầu lông Quốc tế Đà Nẵng năm 2022 (VN Da Thanh - Felet Vietnam International Series 2022) chính thức khởi tranh tại cung Thể thao Tiên Sơn,TP Đà Nẵng. Tham gia tranh tài tại Giải có hơn 200 vận động viên nam, nữ đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc…thi đấu ở 5 nội dung gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Giải thi đấu theo thể thức loại trực tiếp để chọn các vận động viên vào vòng tứ kết, bán kết và chung kết. Trong ảnh: Trận thi đấu loại nội dung đơn nam giữa tay vợt Việt Nam và Hàn Quốc tại giải đấu. Ảnh: Lê Lâm - TTXVN
QUỐC TẾ
Trong tuyên bố chung ngày 31.10 sau Hội nghị thượng đỉnh Armenia, Azerbaijan và Nga ở TP Sochi (Nga), Armenia và Azerbaijan đã "nhất trí không sử dụng vũ lực" để giải quyết tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Baku và Yerevan cũng nhất trí "giải quyết tất cả các tranh chấp chỉ trên cơ sở công nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của hai bên". Hội nghị thượng đỉnh ba bên này được tiến hành theo sáng kiến của Nga, một tháng sau vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ cuộc xung đột giữa hai nước hồi năm 2020. Trong ảnh (theo chiều kim đồng hồ): Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Hội nghị thượng đỉnh ở Sochi (Nga). Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31.10 dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trong khu vực. Triều Tiên cho rằng đây là hành động có thể dẫn tới “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn” từ Bình Nhưỡng. Trước đó, cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ giới chức Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận không quân với tên gọi Vigilant Storm, trong bối cảnh có những lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiến hành thử vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên kể từ năm 2017. Trong ảnh: Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận đổ bộ tại thành phố Pohang ngày 26.10.2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 1.11, cử tri Israel bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Quốc hội (Knesset) với hy vọng có thể phá vỡ bế tắc chính trị kéo dài suốt hơn ba năm qua. Đây cuộc bầu cử thứ 5 của Quốc hội Israel kể từ năm 2019. Hơn 6,8 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu bầu cho các đảng chính trị, là cơ sở cho việc lựa chọn Thủ tướng để thành lập Chính phủ mới. Để trở thành Thủ tướng sắp tới của Israel, đương kim Thủ tướng Yair Lapid, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoặc các chính trị gia khác sẽ phải tập hợp một liên minh kiểm soát tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế. Nếu không thể thực hiện thành công điều này, Israel sẽ phải tiếp tục tiến hành cuộc tổng tuyển cử khác vào đầu năm 2023. Trong ảnh: Tổng thống Israel Isaac Herzog và phu nhân bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ảnh: Văn Ứng - TTXVN
Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) ngày 1.11 cho biết module thí nghiệm Mộng Thiên của nước này đã ghép nối thành công với tổ hợp trạm vũ trụ Thiên Cung một bước tiến lớn nhằm thúc đẩy các nỗ lực hoàn tất xây dựng trạm vũ trụ này. Có chiều dài gần 18 mét và nặng 23 tấn, Mộng Thiên là module thứ 3, đồng thời là module cuối cùng của trạm vũ trụ Thiên Cung được đưa lên quỹ đạo. Trung Quốc mất chưa đầy 2 năm để lắp ráp tổ hợp trạm vũ trụ có cấu trúc hình chữ T này trên quỹ đạo, bắt đầu với module trung tâm Thiên Hòa và sau đó là module Vấn Thiên. Trong ảnh (chụp tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh ngày 1/11/2022): Bên trong module Thiên Hòa sau khi module Mộng Thiên ghép nối thành công với module trung tâm của trạm vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: THX/TTXVN