So với đồ án quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương được phê duyệt cuối năm 2011, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều điểm khác biệt.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo ra xung lực mới cho tỉnh phát triển trong tương lai.
Một bản quy hoạch tổng thể chuyên nghiệp
Ngày 15/11/2011, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định số 3155/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 24/2/2012, đồ án quy hoạch này chính thức được công bố. Quy mô nghiên cứu quy hoạch bao gồm toàn bộ lãnh thổ quản lý hành chính của tỉnh Hải Dương với diện tích đất tự nhiên 165.480 ha; dân số tính đến thời điểm ngày 1/4/2009 là 1.705.059 người, gồm 10 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã.
Hơn 12 năm sau, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Nguyễn Tiến Hóa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh, bản quy hoạch này là “một bản quy hoạch tổng thể chuyên nghiệp”. “Thời kỳ trước, không riêng Hải Dương mà trên cả nước chủ yếu chỉ có quy hoạch đối với từng chuyên ngành như giao thông, công nghiệp, nông nghiệp... Đồ án quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương thời điểm năm 2011 về cơ bản là một bản giáp nối các quy hoạch chuyên ngành với nhau. Đồ án này còn nặng về quy hoạch hạ tầng dù có định hướng phát triển công nghiệp, đô thị. Ngược lại, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mang tính tổng hợp, là tổng hòa của tất cả các lĩnh vực. Điểm khác biệt lớn nhất, đó là bản quy hoạch mới có sự điều tiết chung giữa các trụ cột phát triển chính, các nền tảng hỗ trợ cũng như các trục phát triển không gian”, ông Hóa cho biết.
Cũng theo ông Hóa, từ một bản quy hoạch tổng thể, có định hướng, tầm nhìn dựa trên phân tích khoa học để hình thành, phát triển những quy hoạch chuyên ngành mới là hướng đi chuyên nghiệp trong công tác lập quy hoạch. “Do rất nhiều hạn chế, nhất là về công cụ, phương tiện thống kê, phân tích nên thời kỳ trước, dù Hải Dương mong muốn có một bản quy hoạch tổng thể cũng khó có thể xây dựng”, ông Hóa nói.
Tại bản quy hoạch thời kỳ trước, Hải Dương tập trung phân tích một số điểm lợi thế, cơ hội phát triển như lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế, tài nguyên, du lịch dịch vụ. Đưa dự báo phát triển về dân số, lao động, khả năng quá trình đô thị hóa, sử dụng đất. Từ đó hoạch định tầm nhìn tới năm 2030 và xa hơn (tới năm 2050) xây dựng Hải Dương trở thành vùng phát triển năng động và hiệu quả, là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của quốc gia và khu vực. Hình thành 3 cụm đô thị động lực mạnh gồm TP Hải Dương - hành lang quốc lộ 5; Chí Linh - Kinh Môn; cụm Thanh Miện và khu vực phía Nam tỉnh. Đô thị hóa cao, hình thành hệ thống đô thị hiện đại, có bản sắc.
Xác định tương lai
Tại bản quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương định hướng rõ ràng về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phát triển đến năm 2030, điều mà bản quy hoạch trước không có.
Không chỉ thể hiện quan điểm, mục tiêu phát triển rõ ràng, bản quy hoạch mới lần đầu tiên đề cập hàng loạt khái niệm mới như đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đa giá trị... Điểm khác biệt này là kết quả tất yếu từ sự khác biệt về xu thế phát triển của thời kỳ trước và thời kỳ này. “Thời kỳ trước, chúng ta không có điều kiện tiếp cận những khái niệm này. Cũng vì chưa đủ khả năng tiếp cận nên thời kỳ trước chưa thể xây dựng những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là đô thị thông minh, tăng trưởng xanh là gì, công nghệ cao trong công nghiệp như thế nào...”, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Hóa cho biết.
Ngoài ra, một điểm khác biệt rõ nét khác giữa 2 bản quy hoạch, đó là đồ án quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có sự phân tích, đánh giá dựa trên điều kiện thực tế cũng như điểm khác biệt riêng có của Hải Dương. Đặc biệt, Hải Dương đã xác định các mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội. Những mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là yêu cầu trong tăng trưởng bền vững. Đây là điều khác biệt so với hướng phát triển còn có điểm chung chung từ bản quy hoạch trước.
Theo quy hoạch, Hải Dương sẽ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, ưu tiên các mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ, kết nối, trao đổi thông tin với các trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ trên cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, chuyển giao và hấp thụ công nghệ của tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để Hải Dương trở thành trung tâm cấp vùng về giáo dục và đào tạo phía đông của vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố và phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng y tế, tỉnh sẽ xây dựng mới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; thành lập mới Trung tâm Chẩn đoán và điều trị bệnh nghề nghiệp với quy mô 200 giường bệnh, trở thành trung tâm điều trị bệnh nghề nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu phức hợp y tế tỉnh Hải Dương sau khi có đủ điều kiện...
Về thể thao, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho
hệ thống thiết chế cấp tỉnh như Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Chèo xứ Đông, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh, Khu liên hợp văn hoá - thể thao tỉnh. Phát triển 10 sân gôn phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảo đảm các quy định của pháp luật.