Đời sống văn hóa

Sự khác biệt của phim Đất rừng phương Nam

CẨM GIANG 26/10/2023 20:37

Ra rạp 11 ngày, Đất rừng phương Nam với thời lượng hơn 100 phút đã mang đến cho khán giả yêu điện ảnh Việt nhiều cảm nhận, cả tích cực và trái chiều.

25872461-0-312-1200-987-1920x0-80-0-0-a27a8906e564aa2e506049bdaf3ec321-1092.jpg
Dù vấp phải nhiều chỉ trích, song Đất rừng phương Nam vẫn là bộ phim thu hút sự chú ý của công chúng trong thời gian qua

Đất rừng phương Nam lấy bối cảnh miền Tây đầu thế kỷ XX. Sau những ngày đầu ra rạp, Đất rừng phương Nam đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối về việc làm sai lệch lịch sử, trang phục không phù hợp, nhân vật chính (cậu bé An) bị lu mờ trước các tuyến phụ. Tuy vậy, dự án điện ảnh này vẫn được sự đón nhận của khá đông công chúng, thể hiện qua doanh thu lớn sau hơn 10 ngày công chiếu.

Phim xoay quanh trục chính là chú bé An (Hạo Khang thủ vai) lưu lạc ở miền Tây sông nước tìm cha - Hai Thành (Huỳnh Đông thủ vai). Cha của An thuộc lực lượng nghĩa quân, đang bị thực dân Pháp truy cùng diệt tận. Trên hành trình tìm cha, An đã được những người hào sảng, nghĩa khí của miền Tây giúp đỡ.

Trong phim, đạo diễn Quang Dũng đã khéo léo cài cắm hình ảnh, lời thoại làm toát lên đời sống tinh thần, nghĩa khí hào sảng của người dân miền Tây sông nước; tinh thần quật khởi trước áp bức của kẻ thù.

1080x1920.jpg
Đất rừng phương Nam đã đạt doanh thu lớn sau 11 ngày ra rạp, cho thấy bộ phim có sức hút lớn

So với Đất phương Nam phiên bản 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Đất rừng phương Nam 2023 vẫn mang đậm chất sử thi, song nghiêng cả về chính kịch, tâm lý. Bộ phim đã dẫn dắt người xem đắm mình vào bối cảnh miền Tây sông nước đầu thế kỷ XX, khi người dân lấy chính nghĩa làm lẽ sống, quật cường, nhất tề đứng dậy trước kẻ thù.

Khi Đất rừng phương Nam ra rạp đã có nhiều ý kiến phản đối và so sánh với phiên bản Đất phương Nam 1997. Tuy vậy, phiên bản 1997 là phim truyền hình nhiều tập, còn đây là phim truyện và cũng không chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi.

datphuongnam261023.jpg
Dịp cuối tuần qua, người đến xem phim Đất rừng phương Nam tại Rạp Lotte cinema Hải Dương khá đông

Về dư luận Đất rừng phương Nam 2023 làm sai lệch lịch sử, Cục Điện ảnh đã lên tiếng khẳng định phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Hội đồng thẩm định cũng đã yêu cầu sửa tên gọi "Nghĩa Hòa Đoàn" thành "Nam Hòa Đoàn" và "Thiên Địa Hội" thành "Chính Nghĩa Hội" để không trùng lặp với các tổ chức thời phong kiến của nước ngoài. Trên thực tế, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức này do người dân miền Tây duy trì chống lại sự áp bức đã hoạt động mạnh mẽ ở nhiều địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên...

Nhiều ý kiến cho rằng, trang phục của diễn viên không phù hợp với tạo hình của người dân miền Tây hồi đầu thế kỷ XX, Cục Điện ảnh cũng đã nêu rõ: Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện.

Một vấn đề nữa khiến bộ phim vấp phải sự không đồng tình là nhân vật Bác Ba Phi do diễn viên hài, MC Trấn Thành thủ vai. Đây là diễn viên từng vấp phải chỉ trích vì những phát ngôn không phù hợp, gây bức xúc dư luận. Mặt khác, ở Đất phương Nam phiên bản truyền hình 1997, nhân vật Bác Ba Phi đã bị "đóng đinh" bởi diễn viên kỳ cựu Mạc Can. Vì vậy, sự xuất hiện của Trấn Thành trong Đất rừng phương Nam 2023 với vai Bác Ba Phi cũng là một trong những nguyên nhân khiến bộ phim vướng vào những ý kiến khen chê.

Hơn 1 tuần nay, Đất rừng phương Nam đã được các rạp ở TP Hải Dương trình chiếu vào nhiều khung giờ trong ngày.

Đất rừng phương Nam vẫn được các nhà phê bình đánh giá là dự án điện ảnh được đầu tư công phu, với dàn diễn viên chất lượng như Công Ninh, Hồng Ánh, Huỳnh Hạo Khang, Mai Tài Phến... Chính đạo diễn Đất phương Nam phiên bản truyền hình 1997 Nguyễn Vinh Sơn là cố vấn cho bộ phim này.

CẨM GIANG
(0) Bình luận
Sự khác biệt của phim Đất rừng phương Nam