Sử dụng vaccine tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng

02/08/2023 10:36

Tại Hải Dương, dịch lở mồm, long móng được kiểm soát tốt, chưa có báo cáo từ các địa phương về ổ dịch.


Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát tiêm phòng dịch bệnh.
Ảnh: TRẦN HIỀN

Trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước đã xảy ra 19 ổ dịch lở mồm, long móng ở 205 hộ tại 13 huyện, thị xã của 9 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 618 con, số tiêu hủy là 35 con.

Tại Hải Dương, dịch lở mồm, long móng được kiểm soát tốt, chưa có báo cáo từ các địa phương về ổ dịch. Hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp là điều kiện để mầm bệnh lở mồm, long móng từ môi trường xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi, phát sinh thành dịch.

Để công tác tiêm phòng vaccine lở mồm, long móng được tốt, phục vụ cho phát triển chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số kỹ thuật sử dụng vaccine như sau:

Đối tượng tiêm:

Tiêm phòng cho đàn lợn nái, đực giống nuôi trong các hộ dân, định kỳ 6 tháng/lần. Chỉ tiêm phòng cho lợn khoẻ mạnh. Không tiêm cho những con lợn sốt, mắc bệnh khác, ăn kém hoặc bỏ ăn, lợn nái sinh sản trước khi đẻ 3 tuần; lợn nái sinh sản tiêm phòng bổ sung trước khi phối giống…

Loại vaccine sử dụng:

Vaccine AFTOGEN OLEO (Type O), liều lượng tiêm 2ml/con, tiêm bắp.

Lưu ý:

- Lắc kỹ lọ thuốc trước khi sử dụng. Tiêm đúng vị trí, đúng liều lượng, bảo quản bảo đảm kỹ thuật.

- Chỉ tiêm phòng cho gia súc khoẻ mạnh. Bảo quản ở điều kiện vô trùng thông thường, khi đã mở nắp lọ chỉ được sử dụng tiêm phòng trong ngày, với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C.

- Gia súc sẽ có miễn dịch sau 20 ngày tiêm phòng, căn cứ vào đây Chi cục Chăn nuôi và Thú y xét nghiệm tổ chức lấy mẫu huyết thanh để đánh giá tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng.

Theo dõi gia súc sau khi tiêm phòng:

- Sau khi tiêm phòng có thể có một số con bị phản ứng vaccine trong một thời gian ngắn, như: sốt nhẹ, mệt mỏi, có hiện tượng kém ăn, cho nên chủ vật nuôi phải theo dõi và kịp thời báo cho cán bộ thú y xử lý khi gia súc có biểu hiện phản ứng với vaccine bằng cách: tiêm thuốc trợ sức, trợ lực cafein, vitamin B1, vitamin C.

- Trong 20 ngày sau khi tiêm phòng không được bán, vận chuyển, giết mổ gia súc.

Với các chủ hộ chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng, nếu có dịch bệnh xảy ra, sẽ không được xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại. Do vậy trong quá trình tiêm, nhân viên thú y xã phải ghi chép đầy đủ các thông tin để theo dõi, giám sát dịch tễ trước, trong và sau khi tiêm phòng, giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả việc tiêm phòng cho đàn lợn nái và đực giống trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN MINH ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng vaccine tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng