Là nguồn năng lượng tự nhiên rất sạch, khả năng tái tạo cao, tác động tích cực đến môi trường, giảm được chi phí tiền điện hằng tháng... nên một số hộ dân ở tỉnh ta đã đầu tư điện mặt trời.
Từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời đến nay, gia đình ông Trần Gia (TP Hải Dương) thu được trên 10.900 kWh điện
Điện mặt trời (ĐMT) được coi là nguồn năng lượng xanh và vô tận. Trong vài năm gần đây, mới có một số ít khách hàng ở Hải Dương đầu tư, khai thác, sử dụng ĐMT nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định cho cả người dùng và ngành điện.
Chủ động lắp đặt
Từng công tác trong ngành điện nên ông Trần Gia ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) hiểu rất rõ lợi ích mà ĐMT mang lại. Tháng 6.2018 ông đã đầu tư 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống giàn cột, tấm pin (công suất tương đương 5,4 kWp) và thiết bị chuyển đổi từ điện của gia đình ông sản xuất để hòa vào hệ thống điện. Sau 11 tháng lắp đặt, gia đình ông thu được trên 10.900 kWh điện, tương đương 22 triệu đồng (trung bình 2 triệu đồng/tháng). Tháng nắng nóng ông thu được 1.500 kWh điện, còn tháng mùa đông đạt 300 kWh điện. Số điện này ông bán cho ngành điện, còn gia đình ông vẫn sử dụng điện của ngành điện. Ông Gia cho biết: “Trung bình mỗi tháng gia đình tôi phải chi trả khoảng 3 triệu đồng tiền điện. Đối trừ với số kWh điện tôi đã bán cho ngành điện, mỗi tháng tôi chỉ mất thêm 1 triệu đồng. Như vậy, sau 5 năm, tôi sẽ thu về được toàn bộ vốn. Trong khi đó, pin mặt trời có tuổi thọ lâu, khoảng 25-30 năm nên những năm sau tôi sẽ không phải trả tiền điện”.
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương), toàn tỉnh hiện mới có 12 khách hàng áp dụng mô hình ĐMT, chủ yếu tập trung ở TP Hải Dương, Chí Linh và huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng. Tổng công suất lắp đặt của khách hàng đạt 40 kWp. Sản lượng điện của khách hàng sản xuất đến tháng 4.2019 đạt 17.712 kWh. Hầu hết các gia đình đều lắp đặt phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, sau đó mới bán cho ngành điện. Anh Vũ Minh Huy ở phố Mạc Đĩnh Chi (TP Hải Dương) là người đầu tiên lắp đặt hệ thống ĐMT trong tỉnh cho biết: "Qua tìm hiểu, tôi thấy mô hình này mang lại nhiều tác dụng nên đã lắp giàn cột tương đương 1 kWp để dùng thử. Hiện nay, gia đình tôi vẫn sử dụng song song 2 nguồn điện, của ngành điện và từ các tấm pin mặt trời. Đầu tư ĐMT, mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được 150.000-200.000 đồng so với trước đây".
Gia đình anh Bùi Xuân Du (TP Hải Dương) lắp đặt hệ thống công tơ đo đếm để bán điện cho ngành điện. Ảnh: Hà Kiên
Cần nhân rộng
Theo Điện lực Hải Dương, việc sử dụng ĐMT mang lại nhiều lợi ích. Với khách hàng, việc lắp đặt hệ thống ĐMT sẽ góp phần giảm chi phí tiền điện hằng tháng, đồng thời do các tấm pin mặt trời hấp thụ hết nhiệt nên ngôi nhà mát mẻ hơn về mùa hè. Đối với ngành điện, sẽ giảm áp lực kinh phí đầu tư để sản xuất ra điện. Đặc biệt, đây là nguồn năng lượng tự nhiên nên rất sạch, khả năng tái tạo cao, tác động tích cực đến môi trường. Sử dụng nguồn năng lượng này chỉ tốn kinh phí ban đầu, không cần chi phí vận hành, bảo trì thiết bị.
Để nhân rộng mô hình ĐMT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-Ttg ngày 11.4.2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam và Quyết định số 02/2019/QĐ-Ttg ngày 8.1.2019 sửa đổi, bổ sung Quyết định 11/2017/QĐ-Ttg. Để cụ thể hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản quy định về chính sách ưu đãi đối với dự án ĐMT trên mái nhà có công suất lắp đặt không quá 50 kW. Theo đó, các linh kiện, thiết bị máy móc phục vụ cho việc lắp đặt ĐMT đều được ưu tiên về thuế. Cá nhân lắp đặt hệ thống ĐMT bán cho ngành điện dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế... Đây là chính sách quan trọng khuyến khích phát triển ĐMT. Ông Phạm Nguyễn Ban, Trưởng Phòng Kinh doanh (Điện lực Hải Dương) chia sẻ, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT vì được hưởng nhiều ưu đãi. Khách hàng lắp đặt ĐMT sẽ được ngành điện hỗ trợ tư vấn, đồng thời lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm điện 2 chiều.
Hiện nay có 3 hình thức đầu tư, khai thác và sử dụng mô hình ĐMT. Thứ nhất, khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMT để sử dụng, nếu dư thừa sẽ bán cho ngành điện. Thứ hai là bán hết cho ngành điện. Thứ ba, khách hàng tự lắp đặt và sử dụng điện do mình sản xuất ra. Trong 3 hình thức thì hình thức thứ 3 có nhiều bất cập bởi nếu dùng hoàn toàn ĐMT, khách hàng phải đầu tư thêm bộ lưu điện nhưng sẽ rất tốn kém và tuổi thọ của thiết bị lưu điện không cao, vào mùa đông lượng điện sản xuất ra ít sẽ thiếu điện dùng. Vì thế, ngành điện khuyến cáo người dân nên vừa sử dụng ĐMT vừa sử dụng điện lưới. Như vậy sẽ không bị lãng phí điện sản xuất ra và cũng không lo bị thiếu điện khi trời không có nắng.
Theo tính toán của các chuyên gia, cứ 1 kWp đang hoạt động ở công suất cực đại sẽ sản xuất ra 3 kWh điện. Tại Hải Dương, vào mùa hè (từ tháng 5-10), trung bình sẽ có 168 giờ nắng/tháng và mùa đông có 48 giờ nắng/tháng nên việc sử dụng ĐMT khá hợp lý. Ngành điện khuyến cáo khách hàng có điều kiện nên lắp đặt ĐMT, đặc biệt khách hàng là công sở nhà nước, các doanh nghiệp vì diện tích không gian lớn và nhu cầu sử dụng điện ban ngày cao. Quá trình lắp đặt cần chú ý đến các yếu tố kỹ thuật như lắp ở những nơi có không gian đủ lớn, không bị chướng ngại vật cản trở...
NGỌC THỦY
Theo hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các dự án ĐMT được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều. Giá mua điện của ngành điện đối với khách hàng có ĐMT bán trước ngày 1.1.2018 là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), từ ngày 1.1.2018-31.12.2018 là 2.096 đồng/kWh và từ ngày 1.1.2019-31.12.2019 là 2.134 đồng/kWh. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá bán điện được xác định từng năm. Tất cả khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMT có nhu cầu bán điện, ngành điện đều ưu tiên mua nếu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. |