Sử dụng công nghệ để phòng chống dịch hiệu quả hơn

04/10/2021 08:48

Không chỉ là “bộ não số” trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương, Trung tâm điều hành thông minh đã và đang hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nhiều địa phương.

Sử dụng công nghệ để phòng chống dịch hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Hệ thống bản đồ số dịch tễ COVID-19 được bổ sung kịp thời trên các Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của một số tỉnh thành đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành phòng chống dịch của các địa phương này.

Trung tâm IOC cũng thực hiện cung cấp toàn bộ số liệu "nóng" trên nền tảng thiết bị di động (IOC APP) để giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt ngay tình hình diễn biến của dịch bệnh và có thể chỉ đạo kịp thời, tại mọi nơi, mọi lúc.

Trung tâm IOC phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19

Chính thức đi vào vận hành từ tháng 9-2020, sau một năm hoạt động, trung tâm IOC tỉnh Bình Phước do VNPT xây dựng đã thực sự phát huy hiệu quả của một "bộ não số", là nền tảng cốt lõi trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh. 

Đặc biệt, trong suốt thời gian vừa qua, Trung tâm IOC đã kịp thời cập nhật, tiếp nhận, tổng hợp và phân tích thông tin dữ liệu về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho công tác chỉ đạo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước.

Hệ thống bản đồ số dịch tễ COVID-19 nhanh chóng được triển khai trên IOC Bình Phước đã cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho toàn bộ người dân Bình Phước về tình hình dịch bệnh. 

Với hệ thống này, thông tin các ca nhiễm, nghi nhiễm (F0, F1, F2); các vùng, khu vực cách ly; vị trí chốt kiểm soát; công bố các địa bàn hành chính nguy cơ cao,… được trung tâm IOC cập nhật đầy đủ theo thời gian thực.

Đồng thời, toàn bộ thông tin và dữ liệu về dịch bệnh COVID-19 được phân tích một cách nhanh chóng, sâu sắc và đa chiều thông qua hệ thống bảng điều hành (dashboard) tại trung tâm IOC đã giúp lãnh đạo tỉnh Bình Phước thấy ngay bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh, số liệu được biểu diễn trực quan với mức độ phân tích cao thông qua biểu đồ để thấy rõ sự biến động tăng giảm về số ca dương tính, ca tử vong, ca bình phục, tiêm chủng… mức độ phân bố các ca nhiễm, phân bố vùng nguy cơ cao với phạm vi nhỏ nhất, các vùng xanh… được thể hiện trên bản đồ số của tỉnh. 

Trung tâm IOC cung cấp toàn bộ số liệu "nóng" trên nền tảng thiết bị di động (IOC APP) để giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt ngay tình hình diễn biến của dịch bệnh và có thể chỉ đạo kịp thời, tại mọi nơi, mọi lúc.


Dashboard phân tích COVID-19 hàng ngày

Ngoài ra, Trung tâm IOC Bình Phước cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kết hợp nhằm tăng hiệu quả phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Thông qua hệ thống camera nhiệt, camera trong các khu cách ly, khu phong tỏa, tình hình người ra vào tỉnh đi qua chốt kiểm dịch, hoạt động trong các khu cách ly, khu phong tỏa được cập nhật thường xuyên trên bảng theo dõi hiển thị tại trung tâm IOC đã giúp kiểm soát chặt chẽ, chi tiết từng khu vực. 

Tổng đài đa kênh 1022 tại trung tâm IOC đã phát huy hiệu quả cao trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh nhạy, giúp ích cho chính quyền địa phương phản ứng tức thời mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn, hỗ trợ người dân.

Tại Phú Thọ, hệ thống camera giám sát đô thị trên IOC cũng đã được sử dụng và phát huy hiệu quả cao trong quy trình khai báo y tế đối với người dân, kiểm soát y tế tại các chốt kiểm soát dịch. 

Hệ thống camera giám sát đô thị này gồm 41 camera AI giám sát an ninh và 21 camera AI giám sát giao thông hỗ trợ thực thi một cách tự động các nghiệp vụ quan trọng thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo: giám sát an ninh trật tự tại các chốt kiểm dịch; cảnh báo đối tượng không đeo khẩu trang, F0, F1, truy vết đối tượng theo thời gian thực trên bản đồ số qua nhận diện khuôn mặt; giám sát các phương tiện lưu thông qua chốt, ghi lại thời gian, biển số xe phương tiện qua chốt và truy vết phương tiện theo thời gian thực trên bản đồ số qua nhận diện biển số xe.

Toàn bộ dữ liệu thông tin được cập nhật và tổng hợp tại trung tâm IOC tỉnh Phú Thọ do VNPT hợp tác xây dựng và triển khai từ năm 2020.

Hỗ trợ kiểm soát tốt dịch bệnh cho lộ trình mở cửa

Đến thời điểm này, tỉnh Bình Phước được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 xếp vào nhóm những tỉnh, thành kiểm soát tốt dịch bệnh. Vì vậy, tại cuộc họp tổ chức cuối tháng 9 mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã đưa ra các phương án để chuẩn bị cho lộ trình trở lại "bình thường mới" với mục tiêu phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đi đôi với khôi phục kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

"Thông tin chính thức, tin cậy và được công khai minh bạch giúp người dân hiểu rõ và yên tâm phối hợp cùng chính quyền tỉnh để kiểm soát tốt dịch bệnh" - lãnh đạo tỉnh Bình Phước đánh giá. 

Theo đó, những thông tin, dữ liệu được cập nhật trên trung tâm IOC là một trong nguồn thông tin chính thức và tin cậy để phục vụ lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bình Phước trong công tác giám sát, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến thực tế một cách hiệu quả nhất.


Dashboard phân tích COVID-19 toàn tỉnh

Tương tự, tại IOC tỉnh Phú Thọ, VNPT đã kết hợp đồng thời các giải pháp công nghệ nhằm phát hiện, truy vết và kiểm soát được ngắn hơn 2 ngày (chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta chỉ 2 ngày), đặt mục tiêu trong vài giờ để đạt mục tiêu xác định, khoanh và kiểm soát "vùng đỏ", "vùng vàng" với không gian tối thiểu nhất có thể (nhà, ngõ, xóm, tổ…) để phong tỏa; 

Đồng thời giúp nhận diện "Hộ kinh doanh xanh", "Doanh nghiệp xanh", "Cá nhân xanh" và "Tổ dân phố xanh" nhằm mục tiêu khôi phục kinh tế trong thời gian tới.

Chính vì vậy, thông tin, dữ liệu về tình hình dịch bệnh được cập nhật kịp thời, chính xác cũng được đánh giá là yếu tố quan trọng để giúp công tác điều hành, chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đạt hiệu quả cao nhất.

Trước diễn biến của đại dịch COVID-19, cùng với các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực trở lại trạng thái "bình thường mới", hướng tới mở cửa lại nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. 

Để đạt được mục tiêu kép này, việc sử dụng các nền tảng công nghệ dùng chung trong phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện đã được Chính phủ coi là một giải pháp trọng yếu.


Giám sát chốt cách ly theo huyện

Bằng việc tận dụng linh hoạt các thành phần công nghệ tích hợp trong trung tâm IOC, với sự hợp tác của VNPT, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CNTT, nền tảng công nghệ, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có trong đề phòng, phát hiện, kiểm soát, khoanh vùng… giúp người dân thuận lợi và an tâm thực hiện các chính sách phòng chống dịch của Chính phủ.

Nhiều địa phương đã sử dụng "bộ não số" với năng lực tổng hợp, phân tích dữ liệu thông minh của Trung tâm điều hành thông minh (trung tâm IOC) để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin và trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng công nghệ để phòng chống dịch hiệu quả hơn