Có thể sử dụng biện pháp bẫy bả chua ngọt để dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành của một số loài sâu hại, hạn chế sử dụng thuốc hoá học trên đồng ruộng.
Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì con trưởng thành của một số loài như: sâu cắn gié lúa, sâu keo, sâu khoang, sâu xám, sâu cắn lá ngô… có sở thích ăn thêm các loại thức ăn có mùi chua ngọt trước khi giao phối, đẻ trứng. Lợi dụng đặc tính này, chúng ta có thể sử dụng biện pháp bẫy bả chua ngọt để dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành của các loài sâu hại trên, hạn chế sử dụng thuốc hoá học trên đồng ruộng. Cách làm cụ thể như sau:
1. Chuẩn bị bả chua ngọt
Dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, một phần rượu và một phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Cho hỗn hợp này vào can nhựa, bình nhựa… đậy kín, chờ 3 - 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu, với liều lượng: 100 phần dung dịch chua ngọt cho thêm một phần thuốc trừ sâu Gà nòi 95SP hoặc Padan 95SP, Actara 25WG… (nên sử dụng các loại thuốc ít mùi để cho vào bả).
2. Cách đặt bẫy bả
Có thể sử dụng bùi nhùi hoặc hộp nhựa để đặt bẫy.
- Cách làm bùi nhùi: Lấy một đoạn gốc rạ dài khoảng 40 - 50 cm, bó một đầu lại thành từng bó cỡ một nắm tay, một đầu xòe ra, mỗi bó cắm trên một cọc tre dài khoảng 1 mét. Dùng một nắm giẻ (bông, giấy vụn hoặc rơm vụn…) nhúng vào dung dịch đã chuẩn bị ở trên, rồi cho vào giữa con bùi nhùi làm bằng rạ, đem bùi nhùi ra đặt vào khu nương ruộng cần bẫy, mùi chua ngọt trong bùi nhùi tỏa ra xung quanh sẽ hấp dẫn trưởng thành đến ăn bả.
- Làm bẫy bả bằng hộp nhựa: Sử dụng hộp nhựa tròn đường kính 9 -10 cm, cao 13 - 15 cm, có nắp đậy kín; trên thành hộp đục 4 - 5 lỗ tròn có đường kính 2,5 - 3 cm, ở vị trí giữa chiều cao thành hộp. Sau đó lấy giẻ (bông, giấy vụn hoặc rơm vụn…) nhúng vào dung dịch bả chua ngọt đã pha sẵn thuốc sâu, sau đó cho vào trong hộp và treo hộp bẫy ra khu vực cần bẫy.
3. Thời điểm đặt và mật độ bẫy bả
- Thời điểm: Để bẫy sâu keo, đặt bẫy khi sâu bước vào giai đoạn làm nhộng; bẫy sâu cắn gié khi lúa giai đoạn đòng già, để vừa bẫy bắt trưởng thành vừa xác định được mật độ bướm trên đồng ruộng. Chiều tối đem cắm bẫy, sáng hôm sau thu gom bướm, làm liên tục cho đến khi lúa chín sữa.
- Mật độ bẫy: Để sử dụng bẫy hiệu quả cứ khoảng 8-10 m đặt 1 bả (1 sào đặt khoảng 5-6 bả). Cứ 3 - 5 ngày nhúng tẩm lại dung dịch bả một lần. Chiều cao đặt bả nên treo trên cọc có chiều cao khoảng 80 - 120 cm để thuận lợi bướm di chuyển đến bẫy.
4. Một số lưu ý khi sử dụng bẫy bả:
Khi cắm bẫy bả chua ngọt phải cắm biển, ghi thông tin cảnh báo nguy hiểm trên các hộp đựng bẫy bả để tránh trẻ em, người lớn uống nhầm gây ngộ độc.
Theo dõi ghi số lượng trưởng thành vão bẫy bả hàng ngày để xác định thời gian trưởng thành rộ và dự báo thời gian sâu non nở.
Thường xuyên thay, tẩm dung dịch bả (3-5 ngày/lần).
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia