Con sông Sặt gắn liền với lịch sử khởi lập, phát triển của Thành Đông xưa cũng như TP Hải Dương ngày nay.
Dự án xây dựng kè hai bên bờ sông Sặt TP Hải Dương vừa bảo vệ bờ sông và phòng, chống ngập lụt,
vừa góp phần tạo ra không gian đô thị xanh - sạch - đẹp
Thành phố ngã ba sôngSông Sặt có vị trí rất quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của Thành Đông cũng như TP Hải Dương. Năm 1804, sau khi được vua Gia Long chấp thuận, Trấn thủ Hải Dương là Trần Công Hiến đã di chuyển trấn sở từ xã Mao Điền (Cẩm Giàng) về vị trí mới ở ngã ba sông Hàm Giang và Kẻ Sặt thuộc địa phận 3 làng Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lao. Cũng trong năm 1804, Thành Đông bắt đầu được xây dựng.
Về sau, việc phát triển, mở rộng Thành Đông cũng gắn bó chặt chẽ với sông Sặt. Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của quan lại, binh lính Thành Đông, nhiều thợ thủ công từ các nơi đã đến định cư, làm nghề ở ven sông Sặt. Dân số sống ven sông Sặt ngày một nhiều đã hình thành nên một trung tâm dân cư gọi là Đông Kiều phố, kéo dài từ giáp Đông Mỹ (nay là quảng trường Thống Nhất) đến giáp Tự Tân (nay là phố Tam Giang). Trong Đông Kiều phố có những con phố nghề mà tên phố đã chỉ rõ nghề nghiệp, sản phẩm làm ra như: Hàng Đồng (nay là phố Đồng Xuân), Hàng Bạc (nay là phố Xuân Đài), Hàng Lọng (nay là phố Tuy Hòa), Bến Bè (nay là phố Tam Giang)... Theo các tư liệu lịch sử ghi lại, đến cuối thế kỷ XIX, Đông Kiều phố có khoảng 15 nghìn người sinh sống.
Trong nhiều lần mở rộng không gian đô thị dưới thời Pháp thuộc, con sông Sặt là một ranh giới quan trọng ở phía nam. Năm 1885, thực dân Pháp bắt đầu phá Thành Đông. Khu vực ven sông Sặt được thực dân Pháp chọn để xây dựng công trình phục vụ chính quyền cai trị. Thực dân Pháp đã tích cực khai thác sông Sặt phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trên sông Sặt, thực dân Pháp cho xây dựng một cầu cảng riêng. Khi giao thông đường bộ chưa phát triển, sông Sặt là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương giữa TP Hải Dương và các vùng khác.
Trong nhiều năm liền, sông Sặt là ranh giới tự nhiên ngăn cách giữa TP Hải Dương và một số huyện khác. Sau khi thành lập xã Hải Tân năm 1974, rồi sau đó sáp nhập hai xã Thạch Khôi, Tân Hưng vào năm 2008, địa giới hành chính thành phố đã vượt qua sông Sặt, phát triển mạnh về phía nam. Bờ bên kia sông Sặt ngày càng sầm uất. Bên cạnh vị trí quan trọng về mặt không gian đô thị, giao thông, sông Sặt còn là một công trình thủy lợi thiết yếu phục vụ mục đích cấp, thoát nước của thành phố.
Dự án góp phần thay đổi diện mạo thành phốNhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của sông Sặt, dự án xây dựng kè hai bên bờ sông Sặt TP Hải Dương bắt đầu triển khai từ năm 2004. Ban đầu, dự án do UBND thành phố làm chủ đầu tư, sau đó được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cuối cùng là Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 211 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh, bổ sung) nhằm bảo vệ bờ sông Sặt, phòng, chống ngập lụt cho khu vực hai bờ, xây dựng đường giao thông nối với các tuyến đường khác trong vùng dự án. Các hạng mục chính của dự án là xây dựng gần 4,7 km kè kiên cố, hơn 3 km tường chắn nước bằng bê-tông, hơn 5 km đường giao thông ở hai bờ. Phạm vi thực hiện dự án thuộc các phường Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Ngọc Châu. Ông Trần Đình Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng. Các hạng mục của dự án đã cơ bản làm xong. Còn lại một số địa điểm bị vướng mặt bằng nên chưa thi công. Hiện nay, chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với UBND TP Hải Dương vận động người dân giải phóng mặt bằng để hoàn thiện dự án.
Dự án xây dựng kè hai bên bờ sông Sặt TP Hải Dương không chỉ có tác dụng về mặt thủy lợi, giao thông mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chỉnh trang đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo những khu dân cư sống ven bờ. Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng khu 14 (phường Hải Tân) cho biết: “Khi chưa có dự án này, khu vực bờ sông khá hoang vu, cây cối um tùm, cảnh quan không đẹp. Thậm chí, bờ sông còn là nơi tụ tập của những đối tượng nghiện ngập, trộm cắp. Đến nay, bờ sông được kè chắc chắn, sát kè là vỉa hè, đường đi sạch sẽ, khang trang. Bên đường có điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh nên tạo ra cảnh quan đẹp cho khu dân cư sống ven bờ”. Cũng giống ông Hòa, ông Nguyễn Đức Đoàn, ở số 4 phố Đỗ Nhuận (gần bờ sông Sặt) thấy rõ lợi ích của dự án. “Dự án này không chỉ phục vụ mục đích thủy lợi mà còn tạo ra cảnh quan đẹp ở khu vực phía đông thành phố”, ông Đoàn nói. Phường Lê Thanh Nghị là một trong những địa bàn được hưởng lợi nhiều từ dự án. Theo anh Trần Văn Tuyên, cán bộ địa chính - xây dựng phường này, trước kia phía sau nhiều nhà dân là mặt sông, không có đường đi lại. Dự án này đã làm đường ven bờ, vỉa hè giúp người dân đi lại thuận tiện. Từ khi có đường bờ sông, nơi đây đã trở thành địa điểm đi bộ, tập thể dục của nhiều người.
Được biết, cuối năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án nạo vét, xây kè hai bờ sông Sặt đoạn từ cầu Cậy (Bình Giang) đến cầu Cất (TP Hải Dương) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 955 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay dự án còn chờ bố trí vốn. Việc thực hiện dự án này sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của sông Sặt, tạo ra sự phát triển mới cho TP Hải Dương.
Dù vậy, sông Sặt mới chỉ được “đánh thức” một phần tiềm năng to lớn của nó. Những lợi thế của sông Sặt cần tiếp tục được khai thác để góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Hải Dương.
NINH TUÂN