Sống sao cho phải

23/07/2013 15:51

Đang ăn cơm, tự nhiên anh Bình cảm thấy đau bụng dữ dội, mặt tái xanh, tái mét, chị Xuân vội vã đi gọi anh em làng xóm qua nhà xem giúp.



Mấy phút sau bà con lối xóm kéo đến chật cả nhà, người thì dự đoán anh Bình đau ruột thừa, người thì bảo anh bị ngộ độc thức ăn, người lại cho rằng anh có thể bị đau dạ dày... Đang lo lắng không biết lấy tiền đâu để đưa chồng đi viện thì chị Xuân được bà con trong xóm đóng góp cho vay 5 triệu đồng và giục chị nhanh chóng đưa anh vào viện cấp cứu.

Trời tối, lại mưa to nhưng bà con làng xóm không quản ngại đường sá xa xôi đưa anh Bình đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Anh Bình bị đau ruột thừa, các bác sĩ đã tiến hành mổ ngay trong đêm hôm đó. Tuy không nói ra nhưng chị Xuân cảm thấy xấu hổ và ân hận.

Trước đây, chị Xuân thường sống khép mình, ít khi qua lại thăm hỏi họ hàng, làng xóm những lúc đau ốm. Đám cưới, đám hỏi, đám mừng tân gia, đám cải táng... ai mời chị cũng không cho chồng đến. Chị thường nói với anh: "Đèn nhà ai nhà ấy rạng, việc nhà ai nhà ấy lo, chẳng tội gì mình phung phí vào những việc không đâu vào đâu. Lúc mình khó khăn thử xem có ai thèm nhòm đến không?".

Từ trước đến nay, chị chưa bao giờ để thiệt đến ai một ly, một lai nào. Việc đồng áng, cày bừa, cấy hái, chị đều thuê và trả tiền sòng phẳng, không bao giờ làm đổi công cho ai. Đám ruộng cấy của nhà chị, chị thường cuốc bờ lấn sang nhà bên cạnh để tận dụng thêm được ít đất. Làm bất cứ việc gì, chị cũng đều tranh phần hơn về mình. Ai cũng bảo chị "khôn ăn người", sống chỉ biết làm lợi cho mình mà không nghĩ đến người khác. Anh em, bà con làng xóm không ai ưa chị. Nhiều khi thấy chị chua ngoa nên mọi người thường nhịn đi một chút để giữ tình cảm nhưng chị cứ tưởng họ không biết gì nên càng được thể lấn tới. Ruộng nhà anh Thao vừa mới rải phân, chị liền tháo nước qua ruộng nhà anh để phân chảy hết xuống ruộng nhà chị. Tháng trước, UBND xã có kế hoạch làm đường giao thông nông thôn, triển khai kế hoạch về từng thôn. Vừa đi họp về, chị nói xa xả vào mặt chồng: "Anh không đi họp mà phát biểu, chứ tôi thì tôi chúa ghét mấy ông cán bộ thôn, hô hào làm đường cho nhân dân đi có mà làm lợi cho các ông ấy thì có. Rồi tiền đóng góp của các hộ dân cũng đều vào hang, vào hốc cả thôi". "Em biết gì mà nói bừa bãi thế, mình đóng góp làm đường đẹp cho mình và con cháu mình đi. Chứ em thấy đấy, xưa nay mỗi lần lụt lội, không có lối mà đi nữa". Chồng chị lại nhẹ nhàng nói với vợ. Ở nhà, chị luôn lấn lướt anh, ra đường chị cũng không chịu thua thiệt với ai. Cả thôn có một cái đầm để thả rau muống. Sau mỗi trận mưa úng, bè rau của nhiều gia đình bị nước cuốn trôi. Chị đã nhanh chóng kéo bè rau của nhà khác về vị trí của nhà chị rồi lấy bẹ chuối khô khoanh vùng lại. Cây nhãn nhà ông Thu có một phần ngả sang đất nhà chị, chị cũng đòi chia đôi khoản tiền bán nhãn. Bà con lối xóm không ai mượn được của chị từ con dao, cái rìu bổ củi hay cái máy bơm nước... Nhà anh chị là gia đình đầu tiên trong xóm mua được xe máy nhưng ngay cả khi chị Dậu nhà bên cạnh phải đi bệnh viện cấp cứu, có ý nhờ anh Bình chở đi, chị cũng cấm tiệt. Có lần thấy chồng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, chị tra hỏi và biết cả ngày hôm đó anh đi quét vôi ve nhà mới cho anh Đạo ở cuối thôn. Chị đùng đùng nổi giận: "Đúng là ôm rơm nặng bụng, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Anh xem nhà cửa đang bừa bộn ra kia kìa; cả đống lúa to tướng chưa phơi phóng gì, thế mà anh cứ đi suốt ngày. Người đâu mà dại hết phần thiên hạ thế không biết. Người ta lấy chồng được nhờ chồng, còn tôi lấy anh chỉ tổ nặng nợ".

Từ sau ngày anh xuất viện, chị Xuân đã thay đổi hẳn quan niệm về lối sống. Mỗi khi bà con xóm giềng có công việc đột xuất, chị tự giác đến giúp đỡ nhiệt tình. Lâu dần, mọi người đã thông cảm và nhìn chị với ánh mắt khác. Sau tất cả những hiềm khích trước đây, ngọn lửa của tình làng nghĩa xóm lại được thắp lên.

SƠN TRÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống sao cho phải