Sống không điều độ

29/02/2016 13:05

Đã qua rằm tháng giêng mà nhìn đâu cũng thấy đồ ăn tích trữ từ đợt Tết khiến Thuần vừa ngán ngẩm, vừa tiếc của vô cùng.



Tủ lạnh không còn chỗ để thức ăn, thậm chí khẽ mở cửa ra đã thấy thịt thà đủ loại, rau củ ê hề đổ ào cả xuống đất. Bánh kẹo toàn loại đắt tiền bày từ phòng khách đến phòng ngủ không ai buồn động đến. Thỉnh thoảng tự tay anh phải mang vứt bớt bánh đã mốc, rau đã héo, các loại đồ hộp khui nắp bỏ dở. Thuần đã dặn vợ xem còn gì thì ăn nốt cho đỡ phí, tiền của cả chứ có ai cho không đâu. Nhưng Hạnh vẫn tính nào tật ấy, cứ ra đến chợ là nổi máu mua sắm. Thuần có nói thì Hạnh bảo: “Có đáng là bao, mà đằng nào chả ăn vào miệng”. Chỉ đến cuối tháng thấy tiền trong ví đã hết thì chị mới cuống cuồng thắt chặt chi tiêu.

Có người vợ không biết vun vén chi tiêu hợp lý nên nhà chẳng bao giờ dư dả. Dù thu nhập cả hai vợ chồng cũng thuộc loại cao, nhà người ta mà vậy thì đã có của ăn của để. Đằng này mỗi lần nhà có việc lớn Hạnh lại la toáng lên chuyện tiền nong vì không hiểu tiền đi đâu hết. Chỉ mỗi cái việc đóng học cho con mà lần nào cũng đến tay Thuần xoay xở. Một năm vài ba lần về quê giỗ Tết, đó đâu phải việc phát sinh, ấy thế mà Hạnh chẳng bao giờ lo liệu trước. Nay cầm tiền trong tay thì cứ tiêu cho thỏa còn ngày mai ra sao thì cứ để tính sau. Biết tính vợ thế nên Thuần đã nhiều lần đòi quyền tay hòm chìa khóa. Nhưng lần nào Hạnh cũng giận, cũng tìm đủ mọi lời lẽ để móc máy chồng. Hạnh bảo đàn ông gì mà “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, tiền bạc ky cóp thì chết có mang được theo không? Mắng mỏ chán Hạnh quay ra dỗi: “À, hóa ra anh không tin tưởng tôi. Tôi có chi tiêu thì cũng là chi tiêu cho cái gia đình này chứ có bớt xén đi cho giai đâu mà anh phải thế”. Không chịu được cảnh mặt nặng mày nhẹ của chị nên Thuần đành nhún nhường cho cửa nhà yên ổn. Thuần có bao giờ tiếc vợ con thứ gì đâu, có nai lưng ra làm cũng chỉ mong người thân được đủ đầy. Chẳng qua là Thuần lo cứ chi tiêu như vợ có ngày ốm đau cũng không có lấy một đồng mà đi viện, thuốc thang. Mà cuộc sống thì nhiều bất trắc, cha mẹ hai bên đều đã già. Nói dại chứ nếu các cụ có mệnh hệ gì cũng phải có chút tiền để mà lo liệu. Con cái thì ngày một lớn, Hạnh lúc nào cũng ao ước sau này cho con đi du học. Thử hỏi cứ mãi tình hình này thì tiền đâu mà lo cho tương lai bọn trẻ?

Không chỉ chuyện chi tiêu, là phụ nữ trong gia đình nhưng Hạnh không biết xây dựng một chế độ ăn uống điều độ cho cả nhà. Hạnh không thích ăn rau nên nhìn mâm cơm toàn thịt thà phát ngấy. Cũng có khi cả tuần chỉ ăn toàn đồ rán, thèm bữa canh cá nấu chua cũng phải để anh nhắc mấy lần Hạnh mới nấu cho. Hai đứa trẻ bị béo phì từ nhỏ, Thuần đã dặn vợ nhớ mua nhiều rau xanh, hoa quả đồng thời giảm các loại trứng, sữa, thịt đỏ. Nhưng Hạnh thì lại chiều con, chúng thích cái gì là Hạnh mua cái đó không cần biết đến hậu quả sau này. Có khi đêm vẫn còn gọi đồ ăn nhanh, toàn hamburger, nước ngọt thử hỏi sao mà chẳng phì ra. Khi đưa tụi trẻ đi khám nghe bác sĩ bảo trẻ béo phì, sức khỏe kém và nguy cơ mắc nhiều bệnh nặng, Hạnh mới hốt hoảng ép con ăn kiêng quá mức. Mặc dù Thuần đã “quán triệt” muốn giảm cân cho con cũng phải từ từ để cơ thể chúng còn thích nghi dần nhưng Hạnh bắt lũ trẻ giảm cân cấp tốc dẫn đến cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động. Thấy con có dấu hiệu giảm trí nhớ, tóc rụng nhiều và không còn linh hoạt nữa, Thuần phải làm ầm nhà Hạnh mới chịu dừng lại thực đơn ăn kiêng khắc nghiệt. Hậu quả tệ hại sau thời gian ép cơ thể ăn kiêng thiếu thốn là cả hai đứa trẻ đều mắc chứng cuồng ăn. Thuần xót con bao nhiêu thì bực bội với Hạnh bấy nhiêu. Có nói thì Hạnh lúc nào cũng mang lý lẽ thương con ra ngụy biện. Thương con kiểu đó quá bằng hại con.

Thật đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Người chê vợ xấu, người chán vợ vụng, người thở than vợ không biết kiếm tiền. Còn riêng Thuần thì bao năm qua vẫn chỉ một nỗi buồn ấy là vợ sống không điều độ. Trong cái không điều độ đó có cái vụng, cái hoang, cái đuểnh đoảng và hời hợt. Thuần lo lắng tính cách của vợ sẽ ảnh hưởng nhiều đến cách sống và lối suy nghĩ của các con. Sợ chúng sẽ không làm được thứ gì đến nơi đến chốn, không biết tự thu vén và lo liệu cuộc sống của mình. Chỉ vì Hạnh không tự điều chỉnh cho mọi thứ trở nên cân đối, hài hòa khiến anh luôn cảm thấy bất an. Sống bên một người vợ như Hạnh đôi khi không tránh khỏi cảm giác bị ức chế cảm xúc và giảm năng lượng sống. Thuần luôn đau đầu vì không biết phải làm gì để giúp vợ có thói quen sống điều độ hơn.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống không điều độ