Chắc chắn lối sống của vợ chồng con sẽ có chỗ khiến mẹ không hài lòng. Nhưng mẹ đừng bận tâm nhé, cứ kệ vợ con thích làm gì thì làm...
Chưa bao giờ bà Hòa nghĩ đến chuyện phải ở cùng với vợ chồng con trai vì bà là người nhà quê còn con trai và con dâu đi du học, sống ở phương Tây hàng chục năm trời, giờ về thành phố công tác, mua nhà. Hai cháu nội của bà cũng đã đi mẫu giáo nên bà không phải bế ẵm. Đùng một cái, con dâu “vỡ kế hoạch”, con trai tha thiết mong bà lên giúp con, giúp cháu. Trong thâm tâm, bà biết nhiều nàng dâu thà thuê người giúp việc để được tự do, thoải mái sai khiến còn hơn là nhờ mẹ chồng để phải ra thưa vào gửi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hai đứa cháu lớn được sinh ra ở bên Tây, bà chưa có cơ hội chăm bẵm, giờ là lúc bà bù đắp chuyện đó để sau này con cháu không nói vào đâu được.
Ngày đầu tiên lên thành phố, con trai bà Hòa đã rào trước đón sau với mẹ: “Mẹ lên đây giúp chúng con là chúng con mừng lắm rồi. Chắc chắn lối sống của vợ chồng con sẽ có chỗ khiến mẹ không hài lòng. Nhưng mẹ đừng bận tâm nhé, cứ kệ vợ con thích làm gì thì làm”. Con dâu bà cũng rất thẳng thắn: “Mẹ thích ăn gì hay thích làm gì thì mẹ cứ tự nhiên nhé”.
Quả nhiên, sống cùng vợ chồng con trai, bà Hòa nhiều phen ấm ức vì bất đồng quan điểm. Ai đời, phụ nữ có bầu mà chẳng kiêng cữ gì cả, nay đi spa, mai lại đi tắm ở bể bơi. Bà nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Con ơi! Hạn chế thôi. Sau này đẻ xong đi làm đẹp cũng được”. Con dâu bà thản nhiên bảo: “Mẹ ơi! Phụ nữ có bầu càng phải làm đẹp, chứ lôi thôi thì chồng lại chán. À, hôm nào con sẽ đưa mẹ đi spa để mẹ thư giãn nhé”.
Tháng nào con dâu cũng đi bệnh viện để siêu âm, thậm chí có tháng hai, ba lần khiến bà Hòa lo lắng: “Có hại cho em bé thì sao”. Con dâu giải thích: “Mẹ yên tâm! Kiểm tra thường xuyên thì mới phát hiện những dấu hiệu bất thường để bác sĩ kịp thời có biện pháp”. Bà Hòa không tin: “Ôi dào! Ngày xưa mẹ chửa ba đứa mà có siêu âm gì đâu”. Cuộc tranh luận lần nào cũng kết thúc bằng những lý lẽ hiện đại của con dâu: “Mẹ ạ! Bây giờ không còn như ngày xưa nữa”.
Buổi tối, phải ngủ một mình bà Hòa cũng buồn, cứ trằn trọc mãi nhưng hễ bà rủ hai đứa cháu nội ngủ cùng thì con dâu bà không đồng ý: “Mẹ đừng làm thế ạ! Ở bên Tây, trẻ sơ sinh cũng ngủ riêng ngay từ lúc lọt lòng. Con đã huấn luyện hai cháu như thế cho các cháu tự lập. Chứ bây giờ mẹ ngủ cùng, ít nữa mẹ về quê, các cháu lại ăn vạ thì con mệt lắm”. Bà Hòa buồn bực nhưng chẳng biết làm thế nào vì nhớ lời con trai dặn: “Mẹ cứ tôn trọng quyết định của vợ con”. Thành ra nhiều đêm bà mất ngủ hoặc dậy từ lúc tờ mờ sáng mà không dám gây tiếng động để con cháu được yên giấc.
Chuyện ăn uống của con dâu cũng khiến bà Hòa không hài lòng một chút nào bởi thi thoảng con dâu lại mua đồ Tây, đồ nấu sẵn về ăn, hết bánh pizza lại mỳ Ý… Sữa thì con dâu và các cháu uống thay nước. Có khi cả ngày chúng chẳng được hạt cơm nào vào bụng. Bà vừa bực vừa xót nhưng hễ mở lời nhắc nhở: “Chả gì tốt bằng cơm đâu con ạ!” là con dâu bà gạt ngay: “Ơ mẹ! Con đã dặn mẹ rồi mà, mẹ thích ăn gì thì mẹ ăn. Con và các cháu cũng vậy mà mẹ”. Không những thế, con dâu còn rước các loại váy bầu về mặc, chỉ vài tuần là phải thay vì cái bụng cứ to dần. Bà Hòa tiếc của cứ nén tiếng thở dài. Bà nhắc khéo con trai chuyện con dâu tiêu hoang, phung phí thì con trai bà trấn an mẹ ngay: “Mẹ yên tâm! Vợ con làm được 10 đồng thì cũng phải chi tiêu 5-7 đồng chứ cô ấy mà tiết kiệm quá thì mẹ lại nghĩ keo kiệt”. Bà Hòa đành nhắm mắt làm ngơ, chứ cứ bắt bẻ những chuyện lặt vặt như thế thì mẹ chồng nàng dâu lại xích mích, không vui.
Nhưng lần này chuyện con dâu không thèm hỏi ý kiến bà, tự ý cho bạn cái máy giặt cũ khiến bà bực lắm. Bà to tiếng với cả hai vợ chồng: “Mẹ không có mặt ở đây thì thôi chứ mẹ đã ở đây thì các con cũng nên tôn trọng, hỏi mẹ lấy một lời. Mẹ chả biết chúng mày ở bên Tây, nhiễm thói sống bên đó thế nào chứ ở Việt Nam thì một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhất con, nhì cháu, thứ sáu mới đến người dưng”. Con trai bà nhẹ nhàng xin lỗi mẹ: “Lần sau chúng con sẽ rút kinh nghiệm”. Con dâu định nói thì chồng ra hiệu im lặng bởi anh biết mẹ đang giận. Tối ấy, vô tình đi ngang phòng các con, bà nghe con dâu lớn tiếng với chồng: “Nhưng mẹ cũng vô lý cơ. Đồ đạc của em, em muốn cho ai thì em cho. Mà nếu em hỏi mẹ, chắc gì mẹ đã đồng ý để em cho bạn. Mẹ lại đòi mang về quê cho người này người nọ”. “Thôi được rồi, em hạ hỏa đi, rồi anh sẽ góp ý với mẹ”.
Nghĩ lại, bà Hòa cũng thấy mình có phần “phong kiến”. Từ sau lần đó bà Hòa không can thiệp vào chuyện của con dâu nữa. Suốt thời gian chăm con dâu ở cữ, bà Hòa nhất nhất làm theo hướng dẫn của con dâu: từ việc tắm cho cháu, đến việc giặt đồ, là ủi, pha sữa, cho ăn, cho ngủ... Bà nhận ra rằng xã hội thay đổi nên phương pháp nuôi dạy trẻ cũng thay đổi theo, không thể áp đặt những gì đã trở nên lạc hậu.
Khi thằng bé cứng cáp, gửi nhà trẻ được thì bà Hòa về quê. Con cháu đều lưu luyến vì gần ba năm trời bà đã tận tâm, hết lòng với con với cháu. Thời gian sống cùng con dâu giúp bà hiểu rằng chỉ cần tình yêu thương chân thành, lòng độ lượng và sự tôn trọng sở thích, thói quen của nhau thì gia đình sẽ luôn hòa thuận.
TRẦN THỊ LÀNH