Từ lúc đi đóng tiền điện, nước về, thấy mặt mẹ chồng cứ nặng như chì, hỏi gì bà cũng chỉ đáp giật cục, Nhung cứ đoán già đoán non nhưng không dám hỏi.
Bà Hưng đi nộp tiền điện, nước về mà mặt mày nhăn nhó. Gặp bà Thảo, người hàng xóm, bà than thở: "Tháng vừa rồi trời chưa nóng, thế mà chẳng hiểu sao tiền điện nhà tôi vẫn mất 1,2 triệu đồng bà ạ. Thế này mấy bữa nữa nóng lên, chúng nó mà bật điều hòa nữa thì còn đến bao nhiêu". "Chết, bà xem lại xem, hay là nhà dùng thiết bị gì thì mới tốn thế chứ?", bà Thảo hỏi lại. Bà Hưng lẩm bẩm một lúc rồi như chợt nhớ ra: "À, chắc là tại cái đèn ấy rồi. Chả là khi mới sinh, thằng cu Bi nhà tôi đã bị vàng da. Sau khi nằm lồng ấp, chiếu đèn ở bệnh viện về, suốt cả tháng vừa rồi vợ chồng chúng nó cứ bật cái đèn sưởi ba bóng rọi vào giường. Thấy bảo là như thế da thằng bé sẽ đỡ vàng". "Thảo nào...", bà Thảo gật gật.
Từ lúc đi đóng tiền điện, nước về, thấy mặt mẹ chồng cứ nặng như chì, hỏi gì bà cũng chỉ đáp giật cục, Nhung cứ đoán già đoán non nhưng không dám hỏi. Khi Nhung về nhà bà Hưng làm dâu, ai cũng bảo số cô sướng. Gái quê một cục, thế mà nhà chồng vừa khánh thành căn nhà ba tầng to đùng thì rước Nhung về, cô chỉ việc ở. Bố mẹ chồng đều về hưu, có lương cả, vợ chồng cô chẳng có gì phải lo nữa. Nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Sau khi cưới Nhung mới biết 2/3 số tiền làm nhà là tiền vay của ông cậu, một chủ thầu xây dựng. Anh Lâm, chồng cô lại đang làm thuê cho ông cậu này. Ông cậu cho vay bằng nguyên vật liệu và công xây dựng, tính giá cao hơn ngoài thị trường khá nhiều để thay cho tiền lãi. Đã mấy năm nay Lâm đi làm nhưng hằng tháng không hề được lĩnh lương vì toàn bộ thu nhập đều được trừ vào những khoản bà Hưng vay của cậu, lúc thì để sửa bếp, lúc thì xây mộ dưới quê... Và giờ thì đến món nợ làm nhà. Ngoài tiền lương của Lâm, mỗi tháng vợ chồng bà Hưng cũng trích một khoản lương để trả nợ làm nhà, chỉ để lại một phần chi tiêu. Mọi khoản chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt trong gia đình đều được tiết kiệm tối đa. Nhung mới ra trường đi làm chưa được bao lâu, thu nhập bèo bọt nhưng ngay khi chân ướt chân ráo về nhà chồng, bà Hưng đã giao cho cô lo việc chợ búa, cơm nước, tiền điện, nước, truyền hình cáp... Bà chỉ đưa cho cô 1,5 triệu đồng/ tháng. Biết chuyện, mẹ Nhung thương con lắm. Lo sinh hoạt chi tiêu cho cả một gia đình ở thành phố mà chỉ có vài ba triệu bạc hằng tháng thì con bé biết phải tính thế nào, kiểu gì chả thiếu trước hụt sau. Rồi sau này còn sinh con đẻ cái nữa, lúc ấy đủ thứ chi tiêu phát sinh mà chả có đồng nào tích cóp thì biết cấu véo ở đâu ra. Chả biết làm thế nào giúp con, thỉnh thoảng bà đành gọi con về cho ít gạo, rau vườn nhà, chục trứng gà, trứng vịt. Khổ nhất là thời gian Nhung mang bầu, chị em đồng nghiệp cứ giục đi mua sữa dành cho bà bầu, rồi đồ ăn giàu dinh dưỡng để bồi bổ nhưng cô toàn viện cớ sợ tăng cân nhiều quá nên chẳng dám mua. Kỳ thực Nhung đâu có dư tiền để mà mua. Hơn 1 tháng nay, Nhung mới sinh con, còn trong thời gian ở cữ nên mọi việc chợ búa cơm nước bà Hưng lại đảm nhiệm. Cô cũng trích tiền mọi người đến cho con để đưa cho bà 2 triệu đồng một tháng. Nhưng bà Hưng có vẻ không hài lòng lắm. Bà nói mát: "Tôi chỉ hộ chị mấy tháng này thôi đấy nhé, rồi chị phải lo chứ. Tôi đã cả đời bươn chải, đâm sấp dập ngửa vì cái nhà này rồi. Bây giờ đã đến lúc tôi phải được nghỉ ngơi".
Nhung sinh con được hơn nửa tháng thì hệ thống nước của nhà có vấn đề, khi đi thanh toán tiền nước bà Hưng mới tá hỏa vì phải trả hơn 1 triệu đồng tiền nước. Sau khi gọi thợ đến kiểm tra, đục tường bếp, thay toàn bộ hệ thống ống nước ở bếp... bà Hưng than trời vì số tiền thanh toán cho đội thợ lên tới hơn 7 triệu đồng. Cực chẳng đã, Nhung bảo với mẹ chồng: "Con vừa đi làm thì về làm dâu của mẹ, từ bấy đến nay cũng chẳng tích cóp được gì. Giờ một lúc lại cần tới gần chục triệu, con cũng chẳng biết lấy ở đâu ra. Hay để con đập lợn của cu Bi, tiền mọi người cho cháu chắc cũng được một khoản mẹ ạ". Nói là nói vậy thôi chứ Nhung không nghĩ bà Hưng lại đồng ý. Bởi nếu phải dùng đến nước ấy thì quá đáng quá. Nhưng không ngờ bà lại đồng ý. Hôm sau, đi chợ về bà Hưng mang vào phòng Nhung một con lợn đất mới. Bà thủng thẳng bảo: "Đây, bà đền cho cu Bi con lợn mới. Khoản kia coi như cả nhà vay của cu Bi, nao Bi lớn sẽ giả". Bà Hưng vừa đi ra khỏi, Nhung không nín nhịn nổi, bật khóc nức nở.
Cuối cùng thì Nhung cũng biết được nguyên nhân vì sao hôm nay mẹ chồng cứ đá thúng đụng nia. Sau khi cơm nước, dọn dẹp xong xuôi, cô lẳng lặng bế con lên phòng. Vừa khuất sau cầu thang, cô còn nghe tiếng mẹ chồng lanh lảnh: "Làm dâu bây giờ sướng thật, chả bù cho tôi ngày xưa...".
Mấy tuần nay, mọi người trong xóm hay bàn tán chuyện xoay quanh bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" đang chiếu trên VTV1. Hầu hết mọi người đều bảo phim xây dựng vô lý, thời buổi này rồi làm gì còn kiểu mẹ chồng hà khắc, xét nét con dâu từng ly từng tý như thế. Rồi những tình huống éo le trong phim... Riêng Nhung lại thấy phim còn chưa bằng đời thực. So với những câu chuyện trên phim thì chuyện ở nhà cô còn kịch tính hơn nhiều. Cô có kể chắc cũng chẳng ai tin. Nhung ngán ngẩm đóng cửa phòng, nằm bên cu Bi, cô lắc lắc tay con nói đùa: "Anh cứ liệu thần hồn đấy. Sau này tôi cũng làm mẹ chồng. Vợ anh rồi sẽ biết tay tôi, nghe không...".
KIM THANH