Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là tác giả của nhiều bài thơ tràn đầy cảm hứng về hình tượng Tổ quốc, đất
Năm ấy, Vị Xuyên
NGUYỄN VIỆT CHIẾN Năm ấy Dọc sông Lô Cả một rừng gỗ mộc miên được hạ xuống Xẻ làm áo quan
Sau trận đánh cuối cùng Các anh nằm lại với Hà Giang Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi Gió biên thùy tiễn các anh vào đất
Bên kia biên giới hoa mộc miên nở Còn bên này biên giới gỗ mộc miên xẻ làm áo quan Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất Như không có chuyện gì.
|
nước như "Tổ quốc nơi biên thùy", "Tổ quốc nhìn từ biển"... qua bút pháp sử thi mang dáng dấp những đoản trường ca. Nhưng với tôi "Năm ấy, Vị Xuyên" lại mang một vẻ đẹp khác biệt. Đó là vẻ đẹp ngợi ca, suy tư về người lính hy sinh trong công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc với sự hàm súc, cô đọng của thể thơ tự do, ngắn gọn mà chứa chan tình yêu và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống cho đất nước được trường tồn.
Khổ thơ đầu có thời gian, không gian của một hoàn cảnh bi tráng. Không gian là dọc dòng sông Lô chảy qua mảnh đất Hà Giang. Thời gian là năm ấy có tính phiếm chỉ, nhưng nhờ nhan đề bài thơ ta có thể biết được đó là năm 1984 - năm diễn ra trận chiến Vị Xuyên khốc liệt - những người lính trẻ Việt Nam đã anh dũng hy sinh để chặn đứng thế đánh phủ đầu, lấy thịt đè người của giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Hầu như xuyên suốt bài thơ tác giả đều biểu đạt bằng phương thức tự sự, nghĩa là kể lại một hiện thực đang diễn ra mang tính khách quan. Sau trận đánh Vị Xuyên, những mất mát hy sinh của người lính được trình bày bằng hình ảnh "Cả một rừng gỗ mộc miên được hạ xuống/ Xẻ làm áo quan". Bình thản, tự nhiên mà nhói buốt, xót xa; khách quan, dửng dưng mà đau đớn đến tê lòng. Nó khủng khiếp, man rợ như chuyện trồng rừng để lấy gỗ làm quan tài vậy. Sau trận đánh cuối cùng các anh nằm lại với Hà Giang, chỉ có mưa gió đồng hành tiễn đưa về nơi yên nghỉ: "Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi/ Gió biên thùy tiễn các anh vào đất".
Các cụm từ "mưa biên thùy", "gió biên thùy" kết hợp với các động từ "đưa", "tiễn" đã diễn tả khung cảnh chiến sự thật đau thương, thảm khốc. Đặc biệt, từ Hán Việt "biên thùy" được dùng thật trang trọng, lặp lại hai lần như nỗi niềm cung kính trước anh linh của người chiến sĩ hy sinh. Dường như trời đất, vũ trụ cũng cảm động mà chan hòa rưng lệ trong một niềm xa xót khôn nguôi.
Nếu khổ thơ đầu tác giả giới thiệu hoàn cảnh, không gian, thời gian trận chiến Vị Xuyên của quân ta đánh trả quân xâm lược, khổ thơ thứ hai là hình tượng bi tráng của người lính ngã xuống trong một trận sống mái với quân thù để giữ vững bờ cõi núi sông, thì đến khổ thơ thứ ba là một bình luận có tính trữ tình ngoại đề của tác giả: "Bên kia biên giới hoa mộc miên nở/Còn bên này biên giới gỗ mộc miên xẻ làm áo quan/Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất/Như không có chuyện gì".
Vẫn những cánh rừng nơi biên giới giữa hai đất nước, nhưng bên kia hoa mộc miên vẫn nở như không có gì xảy ra mà bên này hàng trăm cây mộc miên ngã xuống để làm áo quan tiễn đưa người lính trở về với đất. Dòng sông Lô vẫn bình thản trôi "như không có chuyện gì". Không một từ ngữ nào trực tiếp bộc lộ cảm xúc đau đớn, xót xa, không một hình ảnh nào cảm thán thương tâm về sự hy sinh của người lính Việt Nam qua trận chiến, tác giả chỉ thuật lại xen một chút nhận xét về câu chuyện đang diễn ra thật khách quan, đúng với sự thật bằng một hình tượng sống động thông qua cánh rừng mộc miên giữa hai vùng đất giáp ranh nhau. Nghệ thuật đối lập được sử dụng ở đây thật đặc sắc. Vẫn là loài cây đó thôi, nhưng bên kia thì hồn nhiên nở hoa khoe sắc, bên này cây lại xẻ ra để làm áo quan. Nếu như trong Tây Tiến của Quang Dũng, dòng sông Mã "gầm lên khúc độc hành" bi tráng tiễn đưa người lính về với đất mẹ thì ở đây dòng sông Lô lại bình thản trôi giữa đôi bờ. Sông Mã thảng thốt, kiêu hùng; sông Lô bình tâm, lặng lẽ, song ta vẫn nghe tiếng thét xé lòng dâng trào máu lệ, quặn thắt tâm can. Có lẽ chính cái vô ngôn của cánh rừng mộc miên, sự bình thản ngỡ vô tình của dòng sông Lô chảy qua mảnh đất Hà Giang biên giới lại cất lên tiếng nói căm hờn từ trong sâu thẳm tâm can của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chăng? Thơ là vậy, đôi khi thản nhiên mà bật thốt những điều sâu lắng nhất, nó là khoảng lặng của sự thét gào, là tiếng sóng ngầm dưới lòng sâu của đại dương cuồng nộ.
Bài thơ "Năm ấy, Vị Xuyên" hàm súc nhờ sự kiệm lời nhưng lại lan tỏa một cảm xúc đầy dư ba trong tâm trí người đọc.
LÊ THÀNH VĂN