Đưa hàng hóa Hải Dương vào bán tại siêu thị đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Nhưng do thiếu liên kết nên hàng hóa trong tỉnh vẫn vắng bóng ở nhiều siêu thị...
Nhờ liên kết, sản phẩm rau sạch Hồng Lạc (Thanh Hà) đã được bán tại siêu thị Big C Hải Dương
Đưa hàng hóa vào kênh phân phối siêu thị đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Hải Dương, giúp quảng bá những đặc sản địa phương. Do đó, các siêu thị cũng như doanh nghiệp của tỉnh cần xóa bỏ rào cản và sớm liên kết để hàng Hải Dương tìm được vị trí xứng đáng ở hệ thống phân phối hiện đại này.
Thiếu chỗ đứngSiêu thị Big C Hải Dương bày bán hàng trăm loại bánh kẹo nhưng người tiêu dùng khó có thể tìm được các thương hiệu của Hải Dương như các loại bánh đậu xanh Gia Bảo, Hòa An, Nguyên Hương; kẹo lạc, vừng Vân Giang hay bánh nướng, bánh dẻo Hữu Bình... Không chỉ bánh kẹo, nhiều đặc sản khác của Hải Dương hầu như vắng bóng tại các kệ hàng của siêu thị này. Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc siêu thị lý giải: “Chúng tôi rất muốn bán đặc sản Hải Dương nhưng phần lớn các sản phẩm này chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của siêu thị”.
Được biết để đưa được hàng vào bán tại đây, các doanh nghiệp của Hải Dương phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ cần thiết theo quy định của Nhà nước. Đó là chưa kể sản phẩm này thường xuyên bị giám sát, đánh giá chất lượng bởi một trung tâm kiểm định độc lập của Big C tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Hải Dương chưa đủ mạnh, hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khác nên không dễ để đưa hàng hóa vào bán ở siêu thị ngay tại Hải Dương.
Đưa hàng hóa vào được siêu thị đã khó, để trụ vững lại càng khó hơn. Trước đây siêu thị Intimex Hải Dương đã nhập dưa Kim cô nương của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm để bán. Người tiêu dùng hào hứng, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao. Nghịch lý ở chỗ siêu thị đang bán loại dưa này rất chạy nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì đơn vị cung cấp không còn hàng. “Nếu chúng tôi nhập loại dưa này từ các nhà cung cấp từ Đà Lạt sẽ có dưa bán quanh năm. Nguồn cung không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đặc sản của Hải Dương dù chất lượng tốt cũng khó vào được siêu thị”, đại diện siêu thị Intimex Hải Dương cho biết.
Ngược lại với lý giải của các siêu thị, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh đậu xanh Hải Dương lại cho rằng sản phẩm của Hải Dương nếu đủ tiêu chuẩn cũng khó có thể tìm được chỗ đứng tại siêu thị. Nguyên nhân do siêu thị đòi hỏi quá nhiều thủ tục, quá trình kiểm duyệt khắt khe, mất nhiều thời gian và chi phí chiết khấu lớn. Trong khi đó, siêu thị nhập không nhiều hàng hóa. Nhà cung cấp còn thường xuyên phải giảm giá, chiết khấu để siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi. Lợi nhuận thu được không nhiều khiến các nhà sản xuất của tỉnh không mặn mà đưa hàng vào bán ở siêu thị.
Cần hỗ trợ doanh nghiệpBà Phạm Thị Thanh, đại diện Công ty CP Dịch vụ thương mại Tuấn Tuân - đơn vị cung cấp thịt bò, thịt lợn cho Big C Hải Dương cho rằng sẽ không khó nếu nhà cung cấp và siêu thị liên kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên. Doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu về chất lượng của sản phẩm và thường xuyên thay đổi để tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp khác ngoài tỉnh. “Nếu các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “ăn xổi”, chạy theo lợi nhuận sẽ không thể đưa hàng vào bán được ở siêu thị. Bởi so với bán ở chợ, bán hàng trong siêu thị đòi hỏi hàng hóa phải có xuất xứ rõ ràng và người bán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những vấn đề liên quan đến hàng hóa của mình. Uy tín của siêu thị sẽ bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp vì lợi nhuận mà làm ăn bát nháo”, bà Thanh nói.
Nhiều loại bánh kẹo đặc sản Hải Dương vẫn chưa được bày bán tại siêu thị
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động giới thiệu sản phẩm cho các siêu thị bởi họ nhiều khi không nắm được Hải Dương có những sản phẩm nào có thể bán được ở siêu thị. “Mới đây chúng tôi đem trứng gà sạch giới thiệu tại một hội nghị xúc tiến thương mại, khi đó một số siêu thị mới biết và liên hệ đặt hàng”, chủ trang trại gà Tám Lợi (Nam Sách) ví dụ.
Đại diện các siêu thị Vinmart, Intimex, Big C đều khẳng định sẵn sàng nhập bán hàng hóa của Hải Dương nếu sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn. Bằng chứng là thời gian qua, các siêu thị đã chủ động đi khảo sát các sản phẩm của địa phương để sớm liên kết đưa hàng vào bán ở siêu thị. “Nhập hàng hóa của địa phương không chỉ giúp chúng tôi tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong tỉnh, giảm chi phí vận chuyển mà còn dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất. Do đó, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hải Dương sớm liên kết để cùng đưa sản phẩm của Hải Dương vào siêu thị", giám đốc siêu thị Big C Hải Dương cho biết.
Rõ ràng thiếu liên kết là lý do chính khiến hàng hóa của Hải Dương chưa có nhiều "chỗ đứng" tại các siêu thị. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), sở cũng đang tích cực chắp nối giúp các siêu thị tìm nơi cung cấp sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa được hàng vào bán tại siêu thị.
Chuyện các siêu thị đòi hỏi chiết khấu cao, thậm chí doanh nghiệp phải bỏ phí “bôi trơn” mới đưa được hàng vào siêu thị mà dư luận quan tâm gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp của tỉnh e ngại. Do đó, Sở Công thương cần đứng ở vai trò trọng tài, sớm tổ chức gặp gỡ, trao đổi để hai bên tìm được tiếng nói chung. Bản thân các siêu thị cũng cần phải thay đổi cách làm. Nếu tiếp tục đưa ra những điều khoản quá khó khăn, thậm chí buộc doanh nghiệp phải trả những khoản phí không đáng có để đưa hàng vào siêu thị thì chính các siêu thị cũng chịu thiệt thòi...
HẢI MINH