Những cá nhân cố tình chây ỳ, không nộp thuế sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị xử lý hình sự.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên về việc siết chặt hơn nữa công tác quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
Trước đó, từ ngày 1.8, Cục Thuế Hà Nội bắt đầu kiểm tra thuế TMĐT, thu nhập từ Google, Facebook, YouTube... trên diện rộng.
Nguồn thu tiềm năng từ thương mại điện tử
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết cơ quan này đã rà soát và xác định được 1.194 cá nhân kinh doanh với tổng doanh thu 3.614 tỉ đồng từ Google, Facebook, YouTube... Trong đó có một cá nhân thu 140 tỉ đồng từ hoạt động bán phần mềm cho mạng xã hội nước ngoài.
"Đây là những cá nhân sử dụng trí tuệ của mình để mang lại thu nhập cho chính mình và làm giàu cho đất nước. Do đó chúng tôi xác định cần hỗ trợ để họ hiểu rõ trách nhiệm của mình và tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định" - lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội nói và cho biết quan điểm là tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ, cũng nhằm giúp cơ quan thuế mở rộng cơ sở thu thuế.
Sau 1 tháng hỗ trợ, tính đến ngày 24.7 đã có hơn 100 cá nhân đăng ký, kê khai và nộp 10,58 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng trên tổng doanh thu hơn 151 tỷ đồng.
Tuy nhiên Cục Thuế Hà Nội đánh giá tỉ lệ cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế còn thấp. Do đó từ ngày 1.8, Cục Thuế Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra.
Ông Đặng Ngọc Minh nói: "Chính sách đã có rồi nhưng tuân thủ của người nộp thuế chưa tốt. Do vậy thời gian tới, ngành thuế bàn các giải pháp để thu thuế hoạt động TMĐT của các cá nhân có thu nhập từ lĩnh vực này".
Trốn thuế sẽ bị tù
Theo ông Đặng Ngọc Minh, những cá nhân trong nước có thu nhập qua biên giới thông qua bán phần mềm cho các kênh YouTube, Facebook, Google... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Nếu cơ quan thuế phát hiện những cá nhân cố tình chây ỳ, không nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền chậm nộp thuế, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn thuế với số tiền lớn. "Nói cách khác, nếu cố tình trốn thuế thì cá nhân đó sẽ bị tù" - ông Minh khẳng định.
Dù vậy thực tế cho thấy cơ quan thuế gặp khá nhiều khó khăn mới có thể truy thu với những đối tượng không hợp tác.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, bên cạnh những cá nhân tự giác kê khai, nhiều trường hợp không tự giác dù có thu nhập cao. Cơ quan thuế phải truy bằng nhiều cách nhưng cũng gặp khó vì nhiều người sử dụng nick name, không biết tên thật là gì.
Trong khi đó, một số ngân hàng lấy lý do "bí mật thông tin khách hàng" để từ chối cung cấp thông tin.
Theo ông Lê Duy Minh - cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, để quản lý thuế trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ phải có sự phối hợp, cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, ban ngành.
Do đó, ông Minh đề xuất Tổng cục Thuế tiếp nhận thông tin rồi truyền xuống các địa phương để địa phương có cơ sở xử lý, thay vì mỗi địa phương tự làm và không nắm được hoạt động diễn ra ở tỉnh thành khác như hiện nay.
"Cách tốt nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, nếu không sẽ rất khó quản lý rủi ro trong nền kinh tế số hiện nay. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng cần xây dựng chương trình kỹ năng quản lý tại cơ quan thuế, thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với hoạt động liên quan đến kinh tế số, đồng thời nghiên cứu xây dựng quy trình với những doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số" - ông Minh đề xuất.
Nguồn dữ liệu tập trung này không chỉ từ người nộp thuế khai mà ngành thuế còn thu thập được, trong đó có việc kết nối với ngân hàng, trung tâm thông tin tín dụng.
Khi đó, cơ quan thuế sẽ nắm được các khoản thu nhập mà người nộp thuế nhận từ Google, Facebook, YouTube và từ các tổ chức, cá nhân trả tiền quảng cáo cho các ông lớn này.
Theo Tuổi trẻ"Soi" công ty giao nhận để truy thu thuế
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết cơ quan này đang chờ nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế 2019 để yêu cầu các ngân hàng rà soát tài khoản của các cá nhân có thu nhập từ các ông lớn như Google, Facebook, YouTube. Do đã có luật nên cơ quan thuế sẽ rà soát trên diện rộng vì các ngân hàng không thể từ chối cung cấp thông tin như trước.
Ngoài ra, với hoạt động TMĐT, Cục Thuế TP sẽ soi các công ty giao nhận để truy thu thuế với hoạt động kinh doanh qua mạng.
Hoạt động bán hàng qua mạng hiện đang phổ biến hình thức ship COD, tức giao hàng nhận tiền qua bưu điện và các công ty giao nhận. Thông qua các công ty giao nhận, cơ quan thuế có thể nắm được doanh thu người bán hàng qua mạng để truy thu thuế.
Trước đó, Cục Thuế TP cũng từng phát giấy mời đến 13.500 người bán hàng trên Facebook lên làm việc nhưng kết quả rất hạn chế.
Có chi cục thuế chỉ có chưa đến 20% trường hợp được mời lên làm việc nhưng đa số kê khai doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, chưa đến mức phải nộp thuế.