Bằng các biện pháp hiệu quả, thời gian qua, xã Tân Hưng (TP Hải Dương) đã làm tốt công tác DS- KHHGĐ, trong đó nổi bật là khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Phụ nữ xã Tân Hưng tìm hiểu về biện pháp tránh thai
Ban DS-KHHGĐ xã Tân Hưng đã đề ra các biện pháp tuyên truyền rất cụ thể. Xã có 10 cộng tác viên (CTV) dân số phụ trách 8 thôn. Khi được phân công phụ trách từng gia đình, CTV đã tích cực tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ những biện pháp tránh thai hiện đại. CTV còn thường xuyên tới các thôn, khu dân cư, đặc biệt là những gia đình sinh con một bề, những hộ khá giả có ý định sinh con thứ ba để vận động họ chỉ nên dừng lại ở 2 con. Bà Nguyễn Thị Lời (55 tuổi) đã có gần 30 năm là CTV dân số cho biết: “Khi đi tuyên truyền, vận động sinh đẻ có kế hoạch, tôi gặp không ít trường hợp chủ gia đình không hợp tác hoặc buông những lời lẽ khó nghe. Tuy nhiên, vì công việc nên tôi vẫn kiên trì vận động, có những gia đình phải đến 4-5 lần. Bù lại, nhiều gia đình cũng hiểu ra vấn đề và chấp hành tốt chính sách DS-KHHGĐ”. Chị Đỗ Thị Thanh (35 tuổi) ở thôn Thanh Liễu cho biết: “Các CTV dân số đến gia đình tuyên truyền dưới góc độ tình làng, nghĩa xóm, nhẹ nhàng trao đổi. Vì thế chúng tôi thấy dễ nghe, dễ hiểu hơn”.
Bên cạnh đội ngũ CTV nòng cốt nhiệt tình, Ban DS-KHHGĐ xã Tân Hưng còn phối hợp với Đài Truyền thanh xã viết, phát các tin, bài về chính sách DS-KHHGĐ với tần suất 2-3 lần/tuần. Đặc biệt trong chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép và chăm sóc sức khỏe sinh sản đợt 1 năm 2016, Đài Truyền thanh xã phát thông tin về chiến dịch 2-3 lần/ngày.
Năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh của xã Tân Hưng là 130 bé trai/100 bé gái, năm 2011 là 134 bé trai/100 bé gái và năm 2012 là 141 bé trai/100 bé gái. Các số liệu này đều cao hơn so với tỷ số giới tính khi sinh của cả nước, của tỉnh và TP Hải Dương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để thôn Thanh Liễu và Cương Xá của xã Tân Hưng được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn làm điểm mô hình “Gia đình Phật tử khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh” vào năm 2013. Mô hình nhằm phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, làm chủ việc sinh con, xây dựng gia đình hạnh phúc, giới thiệu chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, giải pháp khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh... Nhiều hội nghị của địa phương đều được tuyên truyền lồng ghép nội dung liên quan đến DS-KHHGĐ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Địa phương đã quan tâm chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban DS-KHHGĐ của xã, các thôn phối hợp chặt chẽ với các vị chức sắc Phật giáo tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giúp người dân nâng cao nhận thức.
Tháng 11-2015, UBND xã Tân Hưng phối hợp với Trường THCS Tân Hưng thành lập câu lạc bộ “Các bạn gái tiêu biểu” với sự tham gia của 40 học sinh nữ khối lớp 7 và 8. Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng sống. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hằng tháng theo từng chủ đề. Tùy theo chủ đề mà có thể có sự góp mặt của các bạn nam cùng lứa tuổi với tư cách là khách mời. Trong buổi sinh hoạt, các em sẽ được nghe tư vấn và giải đáp các thắc mắc về sức khỏe, tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên…
Với các biện pháp hiệu quả như trên, xã Tân Hưng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Năm 2014, cả xã có 988 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: bao cao su, viên uống tránh thai, 21 trường hợp sinh con thứ ba. Năm 2015, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 1.066 và chỉ còn 18 trường hợp sinh con thứ ba. Trong 6 tháng đầu năm nay, xã chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ ba và có 1.047 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Từ khi triển khai mô hình “Gia đình Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của xã đã giảm rõ rệt. Năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh là 96 bé trai/100 bé gái; năm 2015 là 94 bé trai/100 bé gái.
HUYỀN TRANG