Lĩnh tháng lương hưu, ông Toản nhẩm tính những khoản phải chi tiêu cho hai ông bà.
Ăn uống chẳng đáng bao nhiêu vì ông bị bệnh gút còn bà bị tiểu đường nên toàn phải ăn kiêng. Tiền thuốc còn tốn hơn tiền ăn. Lại còn chuẩn bị mừng cưới thằng cháu họ, mừng tân gia ông hàng xóm... Đi đến đầu ngõ, ông Toản giật mình bởi tiếng gọi giật giọng của ông Ba, người làng bên:
- Ông Toản đấy à! Tôi vừa vào nhà tìm ông bà nhưng cửa đóng then cài. Thôi, gặp ông đây tôi mời luôn. Ông thông cảm nhá. Chủ nhật tới tôi gả chồng cho con gái út, mời ông bà sang chung vui với gia đình tôi.
Ông Toản sững lại nhưng cũng kịp đáp lời:
- Vâng! Mừng cho ông bà. Nhất định tôi sẽ đến.
Ông Ba vừa đi khỏi, ông Toản đã lẩm nhẩm một mình: “Vậy là tháng này ba đám cỗ”. Đúng lúc ấy, bà Toản từ nhà hàng xóm về đến cổng. Thấy mặt chồng đăm chiêu, bà ngạc nhiên hỏi:
- Ông làm sao thế? Vừa lĩnh lương mà mặt nghệt ra như mất sổ gạo là sao?
Ông Toản xòe bàn tay nhẩm tính:
- Tháng này nhiều cỗ quá bà ạ. Lương hưu mấy đồng chẳng biết có đủ không? Đám nhà ông Hoan mời tân gia, cháu Quỳnh cưới vợ. Vừa nãy, ông Ba bạn đồng ngũ với tôi mời gả chồng cho con út. Tôi đang không biết tính sao đây. Cứ tiêu tốn thế này chỉ sợ lúc ốm đau đột xuất không có tiền phòng thân.
Bà Toản nói:
- Đi thì cũng không ăn uống được nhiều, mà không đi thì không được, ngại với người ta. Giá mà các nơi đều tổ chức tiệc cưới văn minh, không cỗ bàn linh đình, thực hiện phong trào đám cưới không phong bì thì đám cưới vui hơn ông nhỉ?
Ông Toản đồng tình nói:
- Bà nói phải đấy. Tôi thấy nhiều nơi cũng đang vận động để triển khai thực hiện đám cưới văn minh, không biết đến bao giờ mới đến làng mình. Mong là phong trào sớm triển khai để nhiều người không phải sợ ăn cỗ như tôi với bà.
LÂM OANH