Sin Suối Hồ là một bản nhỏ của người Mông ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), cách TP Lai Châu khoảng 30 km.
Sin Suối Hồ là một bản nhỏ của người Mông ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), cách TP Lai Châu khoảng 30 km. Đặt chân đến Sin Suối Hồ vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình và những phong tục tập quán truyền thống của người Mông vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Phong cảnh của Sin Suối Hồ giống như Sa Pa thu nhỏ
Bản “suối có vàng”
Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Cái tên ấy đủ gợi lên cho du khách về một bản nhỏ bình yên, đầy cây trái với những thác nước, khe suối rì rào suốt đêm ngày. Nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, Sin Suối Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Đến Sin Suối Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông. Điểm nhấn độc đáo của những ngôi nhà này là hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh, chỉ cao tới nửa người. Cấu trúc này vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa có công dụng làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.
Những thiếu nữ xinh đẹp của bản Mông - Sin Suối Hồ biểu diễn văn nghệ
Với “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, Sin Suối Hồ đã và đang trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước. Đáng nói là dù mới bắt tay vào làm du lịch được vài năm nhưng nơi đây đã trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu bởi cách làm bài bản, ý thức và tác phong dần chuyên nghiệp của người dân.
Du khách thích thú với văn hóa độc đáo ở Sin Suối Hồ
Lai Châu nhân rộng mô hình Sin Suối Hồ
Sin Suối Hồ có 123 hộ dân, 658 nhân khẩu, 100% là người Mông, trong đó có 10 hộ tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ tự chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa nhà vệ sinh, trang bị chăn gối... đạt tiêu chuẩn để đón khách. Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có thể đón tiếp cùng lúc hơn 100 du khách/ngày đêm với mức giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/người/đêm. Trung bình mỗi năm, Sin Suối Hồ đón khoảng 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ.
Với điều kiện khí hậu thuận lợi, Sin Suối Hồ nay đã trở thành “vựa” địa lan lớn của vùng Tây Bắc. Với nguồn lợi ấy, bà con ở đây đã chủ động nhân rộng các vườn địa lan để đón khách du lịch. Nhiều gia đình trong bản có mức thu nhập tăng đáng kể nhờ trồng và bán địa lan cho du khách.
Sau chuyến tham quan, nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại bản Sin Suối Hồ, chị Bạch Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Ấn tượng nhất là một bản nhỏ sạch sẽ, khắp nơi đều có hoa lan và các loài cây trái. Chúng tôi được thưởng thức các món ăn mang hương vị độc đáo của người Mông như mèn mén, nước thảo quả, thịt treo gác bếp hay các loại rau, măng rừng...”.
Từ sự thành công của bản Sin Suối Hồ, hiện Lai Châu đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 điểm bản du lịch cộng đồng.
CAO MINH