SIM rác cần được cho vào thùng rác

13/05/2023 12:44

Thời gian qua, các bộ, ngành và doanh nghiệp viễn thông có nhiều giải pháp nhằm xóa sổ SIM rác.

Người dân đến chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại siêu thị ViettelStore ở số 102 Điện Biên Phủ (TP Hải Dương)

Còn nhiều SIM rác

Hiện nay, một số cửa hàng bán SIM, thẻ nhỏ lẻ ở TP Hải Dương vẫn bày bán nhiều SIM đã được đăng ký thông tin cá nhân và kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước (thường gọi là SIM rác).

Tại một cửa hàng treo biển bán SIM, thẻ trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), vừa nghe tôi hỏi mua SIM điện thoại kích hoạt sẵn, chủ cửa hàng cầm ngay một nắm SIM của nhiều nhà mạng ra cho tôi chọn. "Hôm qua anh mới bán 4 SIM kích hoạt sẵn cho khách. Yên tâm là SIM nào cũng nghe gọi được, giá chỉ hơn 100.000 đồng thôi", chủ cửa hàng nói. Rồi anh này sốt sắng lắp thử SIM iTel đã kích hoạt, giá 135.000 đồng/chiếc để gọi thì nhận được thông báo thuê bao bị khóa 1 chiều, cũng không nạp thêm tiền được. Chủ cửa hàng này tiếp tục lắp thử 1 chiếc SIM MobiFone, nạp thẻ 20.000 đồng thì nghe gọi được ngay, kiểm tra tài khoản có 13.562 đồng, hạn sử dụng đến ngày 8.8.2023.

SIM rác chủ yếu được các đại lý "ôm" số lượng lớn từ trước, hàng tồn nhiều nên phải đăng lên mạng xã hội để bán. Trên một số fanpage bán SIM số đẹp, xả SIM, thanh lý SIM chính chủ có ghi địa chỉ ở các đường Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) như "Đại lý SIM Thanh Bình", "Kho SIM Thanh Bình" đăng nhiều bài với danh sách SIM rất dài, có đủ đầu số của các nhà mạng, giá từ 1 triệu đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều SIM trong số này có thể đã bị khóa nên lượng giao dịch không nhiều. Các đại lý tự do gần đây chủ yếu bán SIM trên mạng nên cửa hàng hầu như lúc nào cũng đóng cửa.

Một cửa hàng bán SIM trên đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) thường xuyên đóng cửa, chủ yếu bán hàng trên mạng

Qua tìm hiểu của phóng viên tại một số cửa hàng, điểm bán được ủy quyền của các nhà mạng, không có tình trạng bán SIM đã kích hoạt sẵn. Theo số liệu tổng hợp từ 3 nhà mạng lớn ở Hải Dương gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, toàn tỉnh có hơn 6.500 thuê bao di động bị khóa 2 chiều từ ngày 16.4 do chưa chuẩn hóa thông tin. Đến nay, có rất ít chủ thuê bao bị khóa 2 chiều này đến các điểm giao dịch của nhà mạng để chuẩn hóa thông tin. 

Theo ghi nhận của nhiều người sử dụng điện thoại di động, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, khóa SIM chưa chuẩn hóa đã hạn chế nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác hay cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. "Năm ngoái, có lần tôi bị gọi lừa nợ cước di động gần 2 triệu đồng. Do cảnh giác nên tôi không bị mắc lừa. Tuy nhiên, gần đây tôi không bị gọi điện lừa đảo kiểu như thế nữa", anh Nguyễn Văn Hùng quê ở Quảng Ninh đang sinh sống và làm việc tại TP Hải Dương cho biết.


Cần giải pháp đồng bộ

Vì sao SIM rác vẫn còn và vẫn được rao bán trên mạng? Đó là do quy định tại Nghị định 49 của Chính phủ cho phép một cá nhân được đăng ký đứng tên 3 SIM khác nhau cùng một nhà mạng, từ SIM thứ tư trở lên cá nhân cần ký hợp đồng giao kết với doanh nghiệp viễn thông. Điều này đã khiến nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ tận dụng để dùng thông tin chính xác của một cá nhân đứng tên đăng ký cho hàng trăm SIM. Các SIM này được sử dụng cho những mục đích xấu như cuộc gọi quấy rối, lừa đảo.

Trang fanpage chuyên bán SIM số đẹp, thanh lý SIM đã được đăng ký

Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương cho rằng phải có giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao phải khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Các cá nhân đăng ký thuê bao di động bằng chứng minh nhân dân cần cập nhật sang số căn cước công dân để đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Khi đó, người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ ngoài viễn thông như ngân hàng, bảo hiểm... chỉ với một số điện thoại chính chủ duy nhất. Từ đó sẽ hạn chế việc một người sử dụng nhiều SIM khác nhau.

Ông Khánh khuyến nghị, khi phát hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần phản ánh ngay tới Tổng đài 156 (tổng đài xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Từ tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã lập nhiều đoàn thanh tra việc quản lý thông tin thuê bao di động, nhằm ngăn chặn SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Chiều 9.5, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã công bố quyết định thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao di động tại Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương, Viettel Hải Dương và MobiFone Hải Dương. Theo đó, nhóm bị thanh tra, kiểm tra gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng SIM số lượng lớn và có dấu hiệu bất thường, cùng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trực tiếp hoặc ủy quyền của các nhà mạng. Các doanh nghiệp viễn thông phải lập danh sách các cá nhân đăng ký sử dụng từ 20 SIM trở lên, các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký 50 SIM trở lên. Nội dung thanh tra cũng tập trung vào việc phát triển thuê bao mới nhằm chuẩn hóa thông tin đúng quy định... Đây là hoạt động tiếp theo của Sở Thông tin và Truyền thông nhằm ngăn chặn nạn SIM rác.

VĂN NGHIỆP

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    SIM rác cần được cho vào thùng rác
    ss