Shipper về làng

31/08/2022 13:28

Vài năm trở lại đây, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị mà cả ở nông thôn. Hình ảnh những người giao hàng (shipper) chở thùng hàng len lỏi vào đường làng, ngõ xóm đã trở nên quen thuộc với nhiều người.


Shipper về làng góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển

Đáp ứng nhu cầu 

Thay vì trực tiếp mua sản phẩm, hiện nay một bộ phận người tiêu dùng ở nông thôn đã dần có thói quen mua hàng trên mạng. Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… hay những "cửa hàng" trên mạng xã hội có nhiều ưu điểm với sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhiều sản phẩm có mức giá “mềm” hơn so với các sản phẩm bày bán trực tiếp ở cửa hàng. Do đó, khách hàng có nhiều sự lựa chọn lại tiết kiệm thời gian mua sắm. Tại một số hội, nhóm trên mạng xã hội ở các huyện, những dòng thông tin đăng tải tìm shipper luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Thực tế cho thấy hiện nay nhu cầu shipper ở khu vực nông thôn khá lớn. Các mặt hàng được thuê vận chuyển đa dạng từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến đồ ăn, thức uống… Ngoài những shipper làm việc cho các đơn vị vận chuyển hàng hóa, nhiều người hoạt động tự do, trực tiếp nhận hàng từ các đại lý, nhà phân phối để giao cho khách hàng. 

Cũng xuất phát từ nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, chị Đinh Thị Thu ở thị trấn Thanh Miện đã quyết định mở dịch vụ giao hàng. Chị cùng với 2 shipper thường nhận đơn của các khách hàng trong huyện Thanh Miện hoặc một số huyện lân cận như Ninh Giang, Gia Lộc, Bình Giang với quãng đường giao hàng trong khoảng 30 km.

Trước đây, anh Hà Minh Hải ở xã Tân Hương (Ninh Giang) là thủy thủ, công việc thường xuyên xa nhà, không có nhiều thời gian dành cho gia đình. 2 năm trở lại đây, anh Hải đã quyết định làm shipper cho một đơn vị vận chuyển để được gần nhà, có thời gian chăm sóc vợ con. Anh Hải phụ trách giao hàng ở 3 xã của huyện Ninh Giang gồm Tân Hương, Đông Xuyên và Ninh Hải. Mỗi ngày, anh nhận khoảng 70-80 đơn hàng, vào những dịp sàn thương mại điện tử có “siêu sale” (khuyến mãi lớn) thì số lượng đơn có thể lên tới 120-130 đơn/ngày.

Vất vả, áp lực

Việc tìm địa chỉ của khách hàng ở nông thôn thường khó khăn và mất thời gian hơn do không có tên đường phố, số nhà như khu vực thành thị. Ở khu chuyển đổi hoặc nơi dân cư thưa thớt, vắng vẻ, nhà ở trong ngõ sâu thì việc tìm kiếm càng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian hơn. Ban đầu, anh Hải thường mất nhiều thời gian tìm và hỏi đường. Anh đi đến đâu hỏi người dân đến đó hoặc gọi điện để khách hàng trực tiếp hướng dẫn đường đi. Một số khách chủ động ra địa điểm dễ tìm trong thôn như nhà văn hóa, cổng làng… để nhận hàng. Mỗi sáng, khi nhận các đơn hàng, anh Hải thường lọc ra những món hàng trên cùng một cung đường để tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí xăng xe. Dù giao hàng trong phạm vi 3 xã nhưng tổng quãng đường di chuyển của anh Hải trong một ngày thường gần 100 km. Để giao hết số hàng nhận được, áp lực đối với anh Hải cũng như các shipper khác khá lớn. Thời gian trưa và cuối chiều là lúc cao điểm đòi hỏi anh phải tranh thủ tận dụng, việc ăn uống thường qua loa và không nghỉ trưa để kịp giao hàng cho khách. Bất kể hàng hóa gì, giá trị bao nhiêu tiền đều yêu cầu shipper phải giữ gìn hàng hóa nguyên vẹn, đưa tới tận tay khách hàng. Thế nhưng có những đơn hàng đi giao 3-4 lần vẫn không gặp được khách hàng hoặc một số khách đặt hàng nhưng không nhận sản phẩm. Mỗi 1 đơn hàng anh Hải có thể nhận từ 4.000-6.000 đồng tùy theo mức độ xa gần. Ngoài ra còn được thưởng theo tỷ lệ % nếu như giao được nhiều đơn. Mỗi tháng, công việc giao hàng mang về cho anh Hải khoản thu nhập hơn 10 triệu đồng. 

Anh Vũ Văn Nghĩa làm việc tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ CPN Tiến Đạt ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương). Khu vực mà anh phụ trách giao hàng là phường Cẩm Thượng và xã An Thượng (cùng ở TP Hải Dương). Phường Cẩm Thượng là nơi anh Nghĩa sinh sống, lại có tên đường phố, ngõ, số nhà cụ thể nên việc tìm địa chỉ của khách hàng khá dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, ở xã An Thượng, anh Nghĩa phải mất một thời gian mới nhớ tên thôn, xóm. 

Thông thường, các khung giờ cao điểm mà chị Thu thường nhận nhiều đơn đặt hàng của khách là từ 6-7 giờ 30, 10-14 giờ và 17-21 giờ. Những hôm thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa gió, nhu cầu giao hàng tại nhà của khách càng lớn. Đa phần khách của chị Thu đặt mua đồ ăn uống. Thời gian không có nhiều nên shipper phải biết sắp xếp bố trí, giao hàng đúng hẹn. Các shipper của chị Thu có mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Chị Thu kể, với mức thu nhập trên, nhiều người thường nghĩ đây là công việc đơn giản, lương cao nhưng trên thực tế công việc của shipper có nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí tiềm ẩn nguy hiểm do thường xuyên phải di chuyển trên đường. Có những khách đặt rất nhiều đồ ăn uống nhưng đến lúc shipper giao đến nơi, khách lại tắt điện thoại, không liên lạc được, họ đành ngậm ngùi quay về. 

Dù nhiều vất vả, áp lực nhưng shipper là một công việc được nhiều người lựa chọn bởi tính cơ động và đem lại thu nhập tốt. Shipper ở nông thôn đã trở thành cầu nối, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hình thành xu hướng tiêu dùng mới với người dân ở khu vực này. 

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Shipper về làng