Năm 1971, đang công tác ở Ty Văn hóa Phú Thọ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đi thực tế cách nơi thờ vua Hùng không xa. Tại đây, ông được một bà cụ già tóc bạc phơ, ngồi bán hàng nước cho biết: Sở dĩ xóm có tên Thậm Thình.
Năm 1971, đang công tác ở Ty Văn hóa Phú Thọ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đi thực tế cách nơi thờ vua Hùng không xa. Tại đây, ông được một bà cụ già tóc bạc phơ, ngồi bán hàng nước cho biết: Sở dĩ xóm có tên Thậm Thình là xưa kia nơi đây vua Hùng dựng lầu giã gạo làm bành dày.
Đêm ấy cảm xúc dâng trào bởi ý thơ rất đẹp đã đến, nhà thơ viết liền một mạch: "Đi qua xóm núi Thậm Thình/ Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm/ Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này/ Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh dày mấy đôi/ Đẹp lòng, vua phán bầy tôi/ Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà/ Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình/ Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình/ Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non".
Viết xong, nhà thơ đọc cho vợ nghe. Nghe xong, chị bảo: "Anh dừng ở đấy chưa được đâu, người ta sẽ "chụp" cho anh cái tội hoài cổ, mà hoài cổ cũng là một cách phủ nhận hiện tại". Nghe vợ góp ý nhà thơ nghe ngay, vì thời kỳ 1971-1986 văn nghệ sĩ viết cái gì không rõ ràng là "có vấn đề", cấp trên cho là có tư tưởng xấu, biểu hiện hai mặt. Nguyễn Bùi Vợi đắn đo một lát rồi viết tiếp: "Không còn dấu cũ lầu son/ Phía sau thành phố khói vời trong mây/ Trời cao. Bóng toả đường cây/ Nhịp chày xưa thoảng đâu đây... thậm thình".
Như vậy bài thơ đã hoàn thành, nhà thơ đọc liền mạch cả hai đoạn thơ. Lúc này cả hai vợ chồng đều tâm đắc: bởi lịch sử quá khứ trên vùng đất Tổ giữa cái mới và cái cũ hòa quyện, nhất là khu công nghiệp TP Việt Trì với các nhà máy ngày đêm tỏa khói sản xuất hàng hóa phục vụ dân sinh. Đã có nhà máy ắt phải có khói. Nhưng khi Nguyễn Bùi Vợi đem bài thơ này nộp cho Phó Giám đốc Ty Văn hóa tỉnh duyệt để in ở tạp chí của ty thì lập tức bị ông này phê một dòng chữ rất to: "Việt Trì cháy à?" - và gạch cuối câu phía sau "Thành phố khói vờn trong mây".
Dĩ nhiên vì thế bài thơ không được đăng. Sau đó, ông đem đọc cho bạn bè nghe, ai ai cũng khen hay và khuyên gửi đi các báo Trung ương. Đầu tiên đăng ở báo Độc Lập (nhà thơ Ngô Quân Miện là Tổng Biên tập) và được ngâm trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những năm tiếp theo, bài thơ được tuyển chọn vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 (Nhà xuất bản Giáo dục).
Quả là "sếp" chê thơ của nhà thơ dở, cả nước khen hay. Chỉ vì một câu thơ "sếp" không hiểu, nên "sếp" đã đánh "chết" cả một bài thơ, nhưng đã là thơ hay thì vẫn sống mãi trong lòng người đọc.
LÊ HỒNG THIỆN(st)