Các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sau Tết Giáp Ngọ, thị trường giá cả hàng hóa có nhiều biến động. Để ổn định thị trường, quan điểm điều hành của Bộ Tài chính là sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá và áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định.
Không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá
Triển khai công tác chỉ đạo bình ổn giá trong và sau Tết Giáp Ngọ, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.
Công tác đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá... cũng được Sở Tài chính các tỉnh tăng cường triển khai theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Ngay sau những ngày tết Nguyên đán, Bộ Tài chính cho biết tình hình thị trường giá cả với nguồn cung hàng hoá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại với giá cả các nhóm hàng cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.
Bộ Tài chính nhận định giá một số loại trái cây, hoa tươi, thực phẩm rau, củ, quả,... tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ. Hoạt động vận chuyển hành khách tiếp tục hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giá vé vẫn tăng phụ thu do lệch chiều từ 20%-60% đối với một số tuyến.
Gía một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, nước sạch, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh không có nhiều biến động, từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Riêng đối với mặt hàng sữa, theo thông lệ hàng năm, giá sữa thường tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Quản lý Giá cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, “chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa,” ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Giá cả có xu hướng tăng nhẹ trong tháng tới
Theo Bộ Tài chính, tháng Hai và tháng 3-2014, trong nước là thời điểm của lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình khả năng sẽ có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, trong tháng Hai và tháng 3-2014 có một số yếu tố kiềm chế tăng giá là cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết không cao; giá nhiều mặt hàng như thực phẩm, cước vận tải đã cơ bản bình ổn trở lại so với thời điểm trước Tết; chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan...
Bộ Tài chính dự báo giá thị trường trong tháng 2/2014 sẽ tăng so với tháng 1/2014, tháng 3/2014 có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với tháng 2/2014.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế đồng thời tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành, giao kế hoạch, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng dự trữ quốc gia chi từ ngân sách nhà nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát xoay quanh mức 7%. Mặt khác, Bộ công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.
Bên cạnh đó, Bộ cũng kiện toàn và tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định của Luật Giá. Song song với đó, tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp như kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá…đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng hóa dự trữ nhà nước, hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá…
Đối với các mặt hàng nhà nước còn định giá, quan điểm điều hành sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường với lộ trình, liều lượng thích hợp để không gây tác động xấu đến giá cả thị trường trong quý I/2014.
TTXVN