Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới, nên việc nâng cấp, mở rộng, xây dựng sân bay là rất cần thiết.
Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp về nâng cấp, mở rộng, xây mới cảng hàng không
Ngày 12.9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết từ kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xây dựng 6 tiêu chí chính để đánh giá, bổ sung cảng hàng không mới.
Theo đó, giai đoạn này dự kiến xây dựng 28 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 14 cảng hàng không nội địa. Đến năm 2050 có 31 cảng hàng không, tăng thêm 3 cảng hàng không nội địa.
Theo ông Tuấn, việc huy động vốn cho đầu tư nâng cấp, mở rộng các sân bay hiện hữu là khó khăn do có nhiều đơn vị quản lý. Việc chuyển giao tài sản cho một đơn vị quản lý nên khó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Thể chế chính sách về sử dụng tài sản của Nhà nước tham gia dự án đầu tư sân bay theo hình thức PPP chưa thực sự rõ. Với đầu tư mới lại yêu cầu vốn lớn, trong khi các sân bay có quy mô công suất nhỏ, doanh thu thấp nên phương án tài chính BOT có tính khả thi không cao, thời gian hoàn vốn dài (khoảng 47 - 50 năm).
Vì vậy để có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư, cần có sự hỗ trợ vốn phù hợp của Nhà nước trong giai đoạn đầu tư và thậm chí cả trong giai đoạn khai thác.
Nhiều địa phương cho rằng việc đầu tư là cần thiết do nhu cầu tăng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài chia sẻ về triển khai sân bay Sa Pa, khi toàn bộ giải phóng mặt bằng, tái định cư, tỉnh bố trí ngân sách địa phương.
Tin tưởng đợt mời thầu sắp tới các nhà đầu tư sẽ quan tâm, ông Hải cho hay ngày 15-9 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và ngày 15-11 sẽ hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư, sau đó có thể tiến hành khởi công dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ kế hoạch khởi công sân bay đầu năm 2023, đưa vào vận hành năm 2025. Đây là quyết tâm của tỉnh, thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức PPP.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng phương án huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP là đúng và cần thiết, bởi nhu cầu đầu tư và nguồn vốn rất lớn nhưng nguồn lực công còn hạn chế.
Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủy quyền các địa phương điều chỉnh chi tiết quy hoạch, việc này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ tăng phân cấp trong thu hút đầu tư
Một số ý kiến đề nghị thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết được những vấn đề, chọn những sân bay khả thi để làm trước, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới, nên việc nâng cấp, mở rộng, xây dựng sân bay là rất cần thiết.
Dù đã có nhiều chủ trương khuyến khích nhưng ông Thành cho rằng thủ tục đầu tư còn chồng chéo, rườm rà. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực đầu tư này còn chậm.
Theo đó, ông yêu cầu "tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, từ khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư tới khâu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp.
Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với 15 tỉnh thành có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Rà soát lại một lần nữa để kịp thời điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, đảm bảo quy mô phù hợp.
Các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo Tuổi trẻ