Lúc còn nhỏ tôi thường xuyên núp sau cánh cửa nhìn bố mẹ cãi vã và rấm rứt khóc một mình. Chẳng ai để ý đến tôi. Bố mẹ còn mải bực tức với những cơn giận dữ đang tuôn trào.
-Tôi không thể chịu được cuộc sống ngột ngạt, tù túng như thế này. Buông tay đi cho nhẹ! – tiếng mẹ vang lên chát chúa.
- Cô chê tôi nghèo chứ gì? Cô muốn đi thì đi! Để cho bố con tôi được yên!
- Tôi chẳng cần tranh giành với anh làm gì? Anh có giỏi thì tự nuôi lấy con anh. Tôi đi đây!
Lúc còn nhỏ tôi thường xuyên núp sau cánh cửa nhìn bố mẹ cãi vã và rấm rứt khóc một mình. Chẳng ai để ý đến tôi. Bố mẹ còn mải bực tức với những cơn giận dữ đang tuôn trào. Tôi không biết tại sao hai người lại hay cãi nhau to tiếng như vậy. Một hôm, sau cuộc cãi vã nảy lửa, mẹ vơ quần áo nhét vào chiếc va li cũ kỹ, kéo lê nó đi dăm ba bước về phía trước rồi chợt khựng lại ngoảnh mặt về phía tôi. Lúc đó không biết tại sao đôi mắt tôi dần ứa nhòa những giọt nước mắt nhưng đôi chân thì không thể nhúc nhích để có thể nhào đến mà ôm mẹ, sà vào lòng mẹ thổn thức hay níu áo giữ mẹ lại. Tôi đứng im một chỗ, dựa người vào cánh cửa. Tôi chờ đợi mẹ chạy lại bên tôi để nói lời tạm biệt, để hôn lên trán tôi, để lau nước mắt cho tôi. Nhưng không. Mẹ mạnh mẽ bước đi. Hình bóng của mẹ từ từ mờ dần, mờ dần trong mắt tôi. Sau này lớn hơn, tôi mới biết ngày mẹ ra đi chính là ngày bố và mẹ ra tòa ly hôn.
Khi ấy tôi lên năm tuổi, lứa tuổi mà như bao đứa trẻ khác cần có đầy đủ bố mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ thì đối với tôi gia đình chỉ còn lại một nửa. Tôi phải chấp nhận những gì đã xảy ra. Bố rèn cho tôi dần thích nghi với cuộc sống thiếu vắng bàn tay và hơi ấm của mẹ. Bố yêu thương tôi lắm nhưng vì công việc bận rộn nên tôi ít được bố gần gũi. Bố chăm chút tôi theo kiểu của bố. Mỗi khi đi làm bố lại gửi tôi cho một người hàng xóm. Ngày qua ngày tôi cũng đã quen với việc tự chăm sóc bản thân, học cách tự lập từ khi còn rất nhỏ.
Mỗi khi màn đêm buông xuống, trong giấc ngủ say, tôi thường mơ được mẹ ôm vào lòng và hôn lên má thật lâu. Mẹ nững nịu tôi và mua cho tôi rất nhiều quà bánh. Giấc mơ đang đẹp đẽ như ở trên thiên đường của riêng tôi thì bỗng xuất hiện một con quái vật bắt mẹ tôi đi, bỏ lại tôi bơ vơ cố gắng gào thét trong tiếng nức nở. Tôi kêu toáng lên: "Mẹ ơi! Mẹ! Mẹ... ". Tôi giật mình thức dậy, cơn ác mộng đó đã biến mất và để lại những giọt mồ hôi ướt đẫm cả trán và mặt tôi. Một vòng tay rắn chắc ôm chặt tôi từ phía sau. Tôi xoay mình lại, đó là “chú gà trống” - bố tôi. Bố nhẹ nhàng lau khô mồ hôi trên trán tôi và dỗ tôi ngủ lại ngon lành. Sự yêu thương, quan tâm từ bố ngày càng giúp tôi quên đi niềm khao khát có mẹ. Bởi vì mẹ đã bước thêm bước nữa cùng với người đàn ông khác. Tôi biết dù tôi có muốn thì bố cũng không thể nào mang mẹ về với tôi được.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, tôi ngày một khôn lớn và được đi học, được trải nghiệm trong môi trường mới, với bạn bè, được thầy cô quan tâm và dạy dỗ. Đằng sau sự cô đơn và thiếu thốn tình cảm của mẹ, tôi được bù đắp bằng tình thương từ cô giáo chủ nhiệm. Cô thương yêu tôi như một người mẹ thương con. Sau mỗi buổi học, cô thường đưa tôi về tận nhà vì hôm nào bố tôi cũng về muộn. Những lần tôi ốm, cô thường mua cho tôi những viên kẹo ngọt, những miếng bánh bông lan thơm phức mùi sữa. Tôi sốt thì cô đắp khăn mát lên trán và dặn phải uống thuốc đúng liều như bác sĩ đã kê đơn. Những viên thuốc đắng ngắt trôi tuột xuống họng hòa với những giọt nước mắt tủi thân mặn chát mồm miệng mà đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh, rùng mình mỗi khi nhớ lại.
Tôi vừa học hết tiểu học thì cuộc sống của bố con tôi khó khăn hơn trước. Bố tôi lại làm ăn thất bại nên quyết định bán nhà, rời bỏ quê hương lên thành phố lập nghiệp. Tôi phải xa quê, xa bạn bè và xa người mà tôi coi như người mẹ thứ hai, đó là cô giáo chủ nhiệm. Cái cảm giác đó rất bất ngờ và khiến tôi trở nên hụt hẫng. Tôi chỉ biết nắm chặt tay cô và òa khóc, không nói nên lời. Cô lau nước mắt cho tôi. Cô động viên tôi mạnh mẽ. Cô còn tặng tôi một cây bút máy màu xanh da trời làm kỷ niệm. Cái khoảnh khắc đó đã in sâu trong tim tôi. Bỏ lại những kỷ niệm đẹp đẽ với bao vui buồn, tôi bắt đầu cuộc hành trình bước chân lên thành phố cùng “chú gà trống nuôi con".
Cuộc sống mới, thế giới mới hiện ra trong mắt tôi giữa dòng người đông đúc, nhộn nhịp tiếng còi xe inh ỏi giữa cái nắng gắt của mùa hè làm tôi cảm thấy mình lạc lõng. Cuộc hành trình trên đất mới của cha con tôi khó khăn hơn trước rất nhiều vì cái gì cũng lạ nước lạ cái. Chi phí ở thành phố đắt đỏ, đủ thứ phải tiêu tiền: tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền đong gạo, tiền đóng học... Để trang trải cho những chi phí trong cuộc sống hằng ngày, bố tôi phải đi làm nhiều hơn, làm cả ban đêm. Bố đệm đàn ở quán cà phê, ở phòng trà, ở đám cưới... Thời gian tôi gặp được bố ngày càng ít dần. Tôi phải sống tự lập và học cách đối mặt với sự cô đơn lẻ loi nơi thành thị xa lạ, ồn ào.
Thi đậu vào lớp 10, tôi thích đàn đúm bạn bè lêu lổng, bỏ bê việc học hành và cắm đầu vào game. Tôi tự tìm một thế giới ảo cho riêng mình, bởi lẽ tôi nghĩ rằng ai cũng bỏ mặc mình như mẹ đã bỏ đi. Những lúc cô đơn, không ai tâm sự, không ai hiểu tôi, tôi cần một người luôn luôn hiểu và biết tôi cần, muốn gì. Tôi cần được yêu thương. Tận trong sâu thẳm đáy lòng, tôi luôn khao khát hơi ấm gia đình, có đủ cả ba ngọn nến thắp sáng tâm hồn tôi, soi đường chỉ lối cho tôi tiến về phía trước. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng do chính tôi tạo ra. Tôi bắt đầu dính sâu trong thế giới ảo, tụ tập bạn bè đánh nhau. Tôi nhốt mình sau cánh cửa với những trò chơi hấp dẫn, chẳng thể nào dứt ra được. Tôi trở thành một học sinh cá biệt lúc nào không hay. Tôi mắc đủ các lỗi lầm ở lớp: đi học muộn, bỏ tiết, ngủ trong giờ học... Tôi tự cho mình là một nhân vật trong trò chơi điện tử, cầm gậy đánh người như đánh quái vật trong game. Bố tôi được mời đến trường nhiều lần nhưng tôi chẳng thay đổi. Tôi bị nhà trường kỷ luật. Lúc ấy, tôi mới bàng hoàng tỉnh ngộ. Tôi bị đuổi học thật sao? Con đường học vấn khép lại ư? Bố tôi càng ngày càng thất vọng nhưng bố không mắng tôi dù chỉ một lời. Chính vì thái độ im lặng và ánh mắt buồn bã của bố khiến tôi cảm thấy rất có lỗi và ân hận. Nhiều lúc muốn nói một lời xin lỗi bố nhưng tôi không đủ can đảm.
Một hôm, tôi đứng sau cánh cửa, nghe lỏm bố nói chuyện điện thoại với giọng uể oải và bước ra phòng thay đồ, mang giầy. Lúc ấy tôi mới biết bố đang ốm mà vẫn phải đi làm. Trong khi bố chưa ngủ ngon giấc bởi vì tối hôm qua bố đã đi làm về rất muộn. Mặc đồ xong bố vác cây organ trên lưng dắt xe ra như người mất hồn, trong khi đó ngoài trời lại đang mưa rất to. Tôi không hiểu sao khi ấy mình không can ngăn để bố ở nhà nghỉ ngơi. Bố đi khỏi, tôi đóng chặt cửa, lục tìm trong ngăn kéo hồ sơ bệnh án của bố. Thì ra bố bị đau dạ dày. Những bữa ăn thất thường, những giấc ngủ chập chờn, những lo lắng triền miên cho tôi đã hành hạ, rút đi bao nhiêu sức lực của bố. Vì phải chăm lo cho tôi học hành đến nơi đến chốn mà bố không quản ngại ngày mưa, ngày nắng, lúc ốm đau hay khi đêm đã về khuya. Vậy mà tôi lại vô tâm.
Tôi chợt nghĩ lại những gì mình đã gây ra thật là đáng trách. Bởi vì bây giờ bố đã bước qua tuổi 50, cái tuổi mà đáng lẽ bố phải được chứng kiến sự trưởng thành của tôi. Nhưng tôi vẫn là một gánh nặng trên vai bố. Tôi ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Cái giây phút ấy khiến tôi tỉnh ngộ và bắt đầu chăm chỉ học hành, không chơi với đám bạn xấu nữa. Tôi cai nghiện game bằng cách chăm chỉ đọc sách. Không ngờ, tôi vượt lên đứng đầu lớp về kết quả học tập trong năm cuối cấp. Tôi thi đậu đại học với điểm số cao chót vót. Cảm giác vui sướng lan tỏa khắp cơ thể và người mà tôi nghĩ tới để khoe kết quả đó chính là bố tôi. Bố tôi vui lắm và bữa đó bố cố gắng bóp bụng mua những món ăn ngon nhất để ủng hộ tinh thần cho tôi. Bố động viên tôi cố gắng bước tiếp trên con đường học vấn của mình.
Giờ đây, tôi thật sự rất cảm ơn cuộc sống thăng trầm đã tạo nên những gian nan để tôi trưởng thành và chinh phục nó. Tôi không còn oán trách chuyện bố và mẹ ly dị khiến cho tôi phải sống khổ sở, thiếu thốn tình cảm suốt những năm dài tuổi thơ. Dù không có mẹ bên cạnh nhưng tôi đã có một người cha tuyệt vời luôn yêu thương, chở che và hy sinh tất cả vì tôi. Đứng nép mình sau cánh cửa, tôi nhìn bố đang say sưa bên cây đàn - “cần câu cơm” của bố con tôi, tôi chỉ muốn hét lên thật to: "Bố ơi con yêu bố nhiều lắm!” nhưng cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi hít thở thật sâu để lấy can đảm cầm bút lên và viết những dòng cảm xúc ẩn sâu trong lòng đang trào dâng.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH