LTS: Năm 2019, toàn tỉnh đã sắp xếp nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 25 đơn vị, giảm 30 đơn vị. Sau hơn 2 năm sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập có vấn đề gì đáng chú ý? Từ số báo này, báo Hải Dương đăng loạt bài về vấn đề này.
Bài 1: Thu gọn đầu mối, giảm số lượng cán bộ
So với trước khi sáp nhập, các địa phương đã giảm được 60 đầu mối cơ quan hành chính, 180 đầu mối cơ quan khối Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và 759 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.
Bộ máy hoạt động ổn định, hiệu quả
Xã Ứng Hòe (Ninh Giang) hiện nay được sáp nhập từ 3 xã cũ: Ứng Hòe, Quyết Thắng, Ninh Hòa. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ở xã sáp nhập, địa phương này đã thực hiện nghiêm theo quy định. Ông Vũ Văn Tĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Ứng Hòe cho biết: “Việc sáp nhập giúp giảm được số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, qua đó giảm được chi thường xuyên”.
Đến hết năm 2021, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) còn 29 cán bộ, công chức, giảm 10 cán bộ, công chức so với khi sáp nhập. Trong ảnh: Các cán bộ, công chức xã Ứng Hòe làm việc tại bộ phận “một cửa”
Trước sáp nhập, 3 xã cũ có 48 cán bộ, công chức. Khi hoàn thành sáp nhập ngày 1.12.2019, xã Ứng Hòe có 39 cán bộ, công chức, giảm 9 người so với trước sáp nhập (9 người này được giải quyết chế độ theo quy định). Đến hết năm 2021, địa phương này còn 29 cán bộ, công chức, giảm 10 cán bộ, công chức so với khi sáp nhập. Trong đó, 4 cán bộ, công chức được huyện điều động sang xã khác, 5 người nghỉ hưu theo chế độ và diện tinh giản biên chế, 1 người mất do bị bệnh.
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã cũng giảm mạnh, trước khi sáp nhập 3 xã có 33 người, khi hoàn thành sáp nhập Ứng Hòe chỉ còn 11 người và hiện nay có 7 người.
Xã Ứng Hòe hiện là đơn vị hành chính loại II, được bố trí 20 cán bộ, công chức theo quy định. Do đó, từ nay đến năm 2024, xã phải giải quyết cho 9 cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư.
Nhiều xã sáp nhập khác ở huyện Ninh Giang cũng đã tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Sau sáp nhập, huyện còn 19 xã, 1 thị trấn, giảm 8 xã so với trước khi sáp nhập. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện sáp nhập xã nhiều nhất tỉnh trong thời gian qua. 6 xã mới Tân Quang, Văn Hội, Hưng Long, Hồng Dụ, Tân Hương, Ứng Hòe được hình thành trên cơ sở sáp nhập 14 xã. Nhờ sáp nhập, huyện giảm được 16 đầu mối cơ quan hành chính (HĐND và UBND xã), 48 đầu mối cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội (Đảng ủy, MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh). Tương tự, 18 trường học cũng được sáp nhập thành 9 trường. Đến ngày 31.12.2021, ở 6 xã sáp nhập có 153 cán bộ, công chức, giảm 84 người và 57 người hoạt động không chuyên trách, giảm 115 người so với trước khi sáp nhập. Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đánh giá việc bố trí giải quyết cán bộ, công chức dôi dư ở Ninh Giang tương đối tốt.
Theo UBND huyện Ninh Giang, đến nay tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các xã sáp nhập đã ổn định, hoạt động hiệu quả.
Huyện Thanh Hà đã thành lập 2 xã An Phượng và Thanh Quang trên cơ sở sáp nhập 5 xã, giúp giảm 6 đầu mối cơ quan hành chính, 18 đầu mối cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và 9 đơn vị sự nghiệp giáo dục, 3 đơn vị sự nghiệp y tế. Đến ngày 31.12.2021, hai xã An Phượng, Thanh Quang có 60 cán bộ, công chức, giảm 34 người và 15 người hoạt động không chuyên trách, giảm 55 người so với trước khi sáp nhập.
Theo đánh giá của UBND huyện Thanh Hà, việc sáp nhập các xã cơ bản bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân. Huyện đã thực hiện hiệu quả, đúng thời gian quy định về sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã sáp nhập, góp phần tinh gọn bộ máy. Bộ máy ngày càng tinh gọn giúp giảm chi ngân sách hằng năm, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Với bộ phận người dôi dư do sắp xếp, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Giảm chi ngân sách
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 265 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 221 xã, 31 phường và 13 thị trấn. Thực hiện Nghị quyết số 653, toàn tỉnh đã tích cực rà soát đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định; đồng thời khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện quy định phải sắp xếp để giảm số lượng đơn vị hành chính.
Tổ chức bộ máy ở các xã sáp nhập đã được tinh gọn đáng kể. Trong ảnh: Lãnh đạo xã Thanh Quang (Thanh Hà) báo cáo với lãnh đạo HĐND tỉnh về quản lý trụ sở công
Với quyết tâm lớn, nỗ lực cao, chỉ gần 9 tháng sau khi có Nghị quyết số 653, Hải Dương đã hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Tỉnh ta cũng là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết thông qua về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, toàn tỉnh đã nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 25 đơn vị, giảm 30 đơn vị. Các đơn vị hành chính mới thành lập bắt đầu hoạt động từ ngày 1.12.2019. Sau sắp xếp, tỉnh Hải Dương có 235 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 178 xã, 47 phường và 10 thị trấn.
Ở 25 đơn vị hành chính cấp xã mới, tổ chức bộ máy gồm 50 cơ quan hành chính (HĐND và UBND), 150 cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội (Đảng ủy, MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh). So với trước khi sáp nhập đã giảm được 60 đầu mối cơ quan hành chính, 180 đầu mối cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội. Sau sáp nhập cũng giảm được 30 trường học và 30 trạm y tế.
Cùng với giảm đầu mối trong tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng giảm tương ứng. Đến ngày 31.12.2021, các đơn vị hành chính cấp xã diện sáp nhập trong toàn tỉnh có 608 cán bộ, công chức, giảm 315 người và 233 người hoạt động không chuyên trách, giảm 444 người so với trước sáp nhập.
Việc giải quyết với những trường hợp dôi dư do sáp nhập được thực hiện đúng quy định. Trong 315 cán bộ, công chức dôi dư có 116 người được giải quyết nghỉ hưu theo chế độ, 107 người nghỉ theo diện tinh giản biên chế, 84 người đã bố trí điều động sang đơn vị hành chính khác, 8 người được tuyển dụng thành công chức cấp huyện. Đến năm 2024, toàn tỉnh còn phải giải quyết 122 cán bộ, công chức diện dôi dư theo quy định.
Tất cả 410 người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc diện dôi dư đã được giải quyết nghỉ việc đúng quy định, đến nay không còn trường hợp phải xử lý.
Theo Sở Tài chính, việc sáp nhập còn giúp giảm chi ngân sách. Dự toán chi ngân sách giao năm 2020 cho các đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập là gần 239 tỷ đồng, giảm gần 44 tỷ đồng so với năm 2019 (khi chưa sáp nhập).
Phát biểu tại các cuộc giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về hoạt động đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, đồng chí Bùi Học Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã góp phần đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Đến nay, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp đã ổn định, hoạt động hiệu quả.
NINH TUÂN
Kỳ sau: Tìm cách xử lý trụ sở công dôi dư