Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là việc làm khó, nhưng không thể chậm trễ thêm nữa.
Mấy ngày qua, dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Không quan tâm sao được khi bộ máy hành chính nhà nước đang có gần 3 triệu cán bộ, công chức làm việc, tương đương với tỷ lệ hơn 30 cán bộ, công chức/1.000 người dân. Công chức nhiều dẫn tới việc chi trả tiền từ ngân sách nhà nước lớn. Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, chi thường xuyên tại Việt Nam đang chiếm khoảng 10% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều đáng lo ngại, chi thường xuyên lại tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Năm 2015, chi thường xuyên ở mức 788.500 tỷ đồng so với tổng chi 1.265.625 tỷ đồng (chiếm hơn 62%). Năm 2016, con số này tương ứng ở mức 836.000 tỷ đồng/1.360.150 tỷ đồng (chiếm gần 62%). Sang năm 2017, tính từ đầu năm đến ngày 15.9, chi thường xuyên đã đạt 623.000 tỷ đồng so với tổng chi 851.500 tỷ đồng (chiếm hơn 73%).
Biên chế nhiều, chi tiêu lớn nhưng hiệu quả hoạt động của khối hành chính nhà nước lại không cao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng thẳng thắn chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 70% số cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu công việc, 30% còn lại "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Với gần 3 triệu cán bộ, công chức, chỉ cần làm phép tính nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện "có cũng như không" gần 1 triệu người. Nghĩa là khoảng 100 người dân phải nuôi không 1 người "vô công rồi nghề" mang danh cán bộ, công chức.
Con số trên còn chưa kể đến gần 8 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách nhà nước. Tính chung chi phí cho toàn hệ thống tổ chức hội, đoàn thể, hằng năm ngân sách nhà nước phải bỏ ra từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. Và nếu cứ tiếp tục bội chi để nuôi bộ máy cồng kềnh sẽ đến lúc trần nợ công bị phá vỡ, người dân đi làm chỉ để trả nợ, Chính phủ phải vay tiền để chi nuôi cán bộ, công chức, viên chức...
Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là việc làm khó, nhưng không thể chậm trễ thêm nữa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức bộ máy hành chính đi vào đúng quỹ đạo, ít tầng nấc, bớt bộ ngành, không còn các cơ quan có cùng chức năng, nhiệm vụ nhưng vẫn phải bảo đảm quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong thực hiện các nhiệm vụ công. Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh trong 3 năm qua cho thấy đã đến lúc có thể nhất thể hóa một loạt các tổ chức, cơ quan ở cấp huyện hoặc cấp xã với nhau trong phạm vi cả nước: Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp; Văn phòng cấp ủy sáp nhập với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND; Cơ quan thanh tra với Ủy ban Kiểm tra; Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ; Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, khu dân cư...
Muốn vậy, cần phải tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; có giải pháp khắc phục triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, kể cả cơ quan Đảng và chính quyền. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, phải nghiêm túc kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người, xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Qua đó xác định cần bao nhiêu vị trí làm việc để từ đó sắp xếp cán bộ, công chức chính xác, hiệu quả, loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ năng lực hạn chế, ý thức tổ chức yếu kém. Từ đó, giảm chi phí hoạt động hành chính để tạo nguồn chi cho đầu tư phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
SỸ THẮNG