Thấy mẹ con bà Na chuẩn bị đồ đạc lỉnh kỉnh, cụ nội từ nhà ngoài vào hỏi:
- Mẹ con cháu sắp đi đâu mà nhiều thứ thế?
Thằng cháu nội vội thưa:
- Đi lễ chùa đầu xuân ông ạ!
- Lễ chùa mà sao mang cả con gà luộc lại còn mấy cái giò nữa?
Thằng bé lại đáp:
- Ăn thua gì ông, nhà thằng bạn cháu còn quay cả một con lợn và mâm xôi nữa kia…
- Lại thế kia à? Ông vừa đi dự lễ mừng tuổi vàng tuổi bạc của Hội Người cao tuổi tổ chức cũng có một nhà sư tên tuổi tham dự. Nhân nói về việc đi lễ chùa đầu xuân, nhà sư nói đó là nét văn hóa đẹp, nhưng không ít phật tử hay người dân đi lễ chùa còn ứng xử chưa phải phép…
Nghe thế, bà Na từ trong nhà bước ra:
- Thế là thế nào, cơ thầy?
- Là không nên mang vào chùa, cúng Phật đồ ăn mặn. Một số người không hiểu cứ mang cả những thứ như mẹ con cháu chuẩn bị vào cúng tưởng là lòng thành với Phật nhưng lại hóa ra là điều cấm kỵ đấy…
- Vậy thì cúng Phật bằng gì, thưa ông? - đứa cháu nhanh nhảu hỏi.
- Đặt lên ban thờ hương, hoa, quả… là những sản vật chay tịnh. Bàn thờ Phật liên quan đến thần linh. Đó là thế giới khác đầy thiêng liêng nên những đồ ăn của người trần tục đặt lên cúng là không phải…
- Nào mẹ con cháu đâu có biết, cứ thấy hàng xóm chuẩn bị cái gì thì mình cũng làm thế - quay về hướng đứa con, bà Na bảo - Con chuyển bớt vào nhà các thứ đi. Mẹ còn chạy sang cô Minh đổi thêm một ít tiền lẻ đặt lên bàn lễ…
- Cũng không cần nhiều đâu con ạ - ông nội gọi lại - Tiền cũng như đồ cúng, ở thế giới tâm linh không tiêu bằng tiền ta được, nên có lòng thành thì cứ bỏ tiền vào hòm công đức để góp phần tu tạo công trình. Vì thế chỉ cần một số tiền tùy theo lòng thành của mình, đừng dùng nhiều tiền lẻ quá, đem cài cả vào tượng, bát hương, gốc cây… là không phải, lại còn phạm đạo, hủy hoại tiền bạc đấy.
Bà Na nghe ra nên không đi đổi tiền lẻ nữa, nhắc nhở con cháu chỉnh trang quần áo rồi lên xe. Bà cũng không quên lời cụ dặn là phải giữ cho tâm thanh tịnh khi đến cửa thiền thì mới cầu mong cho bản thân và gia đình năm tới được sức khỏe, an bình…
TRỌNG NGUYỄN