Thấy chị Hằng xuống phòng tài vụ lĩnh tiền Tết về mà cứ ngồi ngẩn người, chị Dịu hỏi:
- Có việc gì mà trông chị không vui thế?
- Tôi đang nghĩ với tiền thưởng Tết và lương tháng này thì phải sắm sửa Tết thế nào đây?
- Cộng cả hai khoản lại cũng gần 20 triệu rồi mà chị còn lo không đủ cơ ạ?
- Nhà tôi năm nào cũng phải chi ít nhất tầm trên dưới 30 triệu ấy. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiền thưởng Tết ít đi nên đang không biết phải xoay xở thế nào đây.
- Nhà chị tiêu gì mà nhiều thế?
- Thì cô tính, Tết cũng phải sắm chục cân gạo nếp, vài cân thịt, đỗ xanh để gói bánh chưng, rồi ít nhất vài con gà, mấy cân giò cả lợn cả bò, ít hải sản, thịt bò, rượu bia, kẹo bánh, hoa quả, đào, quất. Rồi thì mua đồ đi Tết bên nội, bên ngoại nữa, tiền lì xì cho trẻ con. Nói chung là nhiều thứ lắm.
- Mọi năm nhà em cũng sắm sửa nhiều thế đấy nhưng từ năm ngoái, thu nhập tháng Tết giảm hơn nên nhà em đã đơn giản hóa việc sắm Tết rồi. Nhà em không mua đồ tích trữ nữa mà chỉ mua ăn trong ngày mùng 1, mùng 2 thôi. Từ mùng 3 là mua đồ ăn tươi rồi. Đắt hơn chút nhưng ngon mà mua chỉ đủ lượng cần nên đỡ lãng phí. Bánh kẹo giờ nhà nào cũng có cả, thừa mứa ra nên em chỉ mua mấy hộp ngon đãi khách thôi. Em cũng không còn nặng nề chuyện trang hoàng nhà cửa nữa rồi. Nhà em chỉ mua ít hoa bày bàn thờ và một cây quất, cành đào nhỏ. Năm ngoái tính ra nhà em chi chưa đến 10 triệu đồng cho cả cái Tết. Năm nay chắc em vẫn thế thôi. Vì em ngẫm ra rồi, Tết là ngày sum họp gia đình và nghỉ ngơi là chính, không cần nặng nề chuyện mua sắm đâu ạ.
- Chị sẽ tham khảo ý cô. Có lẽ chị nên thay đổi để vừa tiết kiệm, vừa đỡ mệt người nhỉ. Nhưng những nét cổ truyền của Tết để cho gia đình đầm ấm thì vẫn cần giữ...
HẢI ĐĂNG