Sao phải học thêm?

20/09/2018 09:36

Tôi vừa đọc một bài báo nói về việc lơ là xử lý dạy thêm, học thêm trái phép.

Bài báo dẫn lời một phụ huynh học sinh tiểu học nói rằng ngay sau khai giảng, con anh đã phải đến nhà cô giáo ở trường học thêm. Vị này còn bức xúc vì cô dạy quá nhiều, tới 4 buổi/ tuần khiến gia đình anh rất vất vả trong việc đưa đón con. Tôi cứ băn khoăn mãi về cụm từ "phải đến nhà cô học thêm" của vị phụ huynh kia. Có thật sự là phụ huynh "phải" làm việc đó không?

Tôi tin rằng không giáo viên tiểu học nào nói "các em phải đến nhà cô học" hay "phụ huynh phải đưa con đến nhà tôi học thêm" khi biết rõ việc dạy thêm với học sinh tiểu học là trái quy định. Nhưng chắc chắn cô đã hé lộ ý định mở lớp tại nhà và không ít phụ huynh học sinh tự động hiểu ngầm rằng "thế thì phải cho con đi học". Rõ ràng là họ có quyền lựa chọn cho con đi học thêm hoặc không, vậy tại sao lại nói là "phải"?

Nhiều người biện minh rằng nếu không cho con đi học thêm tại nhà cô thì con sẽ tụt hậu, không theo kịp các bạn. Có người sợ cô sẽ vì thế mà thường xuyên phê bình con trên lớp, làm ảnh hưởng tới tâm lý và việc tiếp thu bài của con. Người khác lại chủ động đề nghị cô dạy thêm vì mong con giỏi hơn...

Rất ít bậc cha mẹ đứng ở góc độ của con để quyết định có học thêm hay không, lại càng ít người dám lên tiếng trước cuộc họp phụ huynh rằng "việc dạy thêm là trái quy định". Thay vào đó, họ chọn cách cho con đi học thêm rồi quay ra phàn nàn bọn trẻ sao khổ thế, cứ phải học thêm tối ngày. Người không muốn đổ lỗi cho cô giáo thì quay ra trách chương trình quá nặng, chỉ học trên lớp thôi là chưa đủ.

Rốt cuộc chẳng ai thừa nhận gánh nặng học thêm do chính mình đặt lên vai con trẻ. Tôi nhớ 20 năm về trước, tôi đã từng đọc nhiều bài báo nói về chuyện dạy thêm, học thêm như là một vấn đề bức xúc của xã hội. 20 năm sau, câu chuyện ấy vẫn không cũ.

Trong 20 năm qua, ngành giáo dục đã dùng đủ mọi cách từ cải tiến chương trình theo hướng giảm tải, phát động phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", bỏ bớt các kỳ thi học sinh giỏi, gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi đại học... nhằm giảm gánh nặng học tập cho học sinh, hạn chế dạy thêm, học thêm. Nhưng đến nay tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn còn tồn tại. Điều đó chứng tỏ các giải pháp đã đưa ra không được thực hiện tới nơi tới chốn hoặc chưa đi trúng vào nguyên nhân chính dẫn đến dạy thêm, học thêm trái quy định.

Có một sự thật là ai cũng mong con mình học giỏi các môn văn hóa, có thể đứng đầu lớp, vào trường chuyên, lớp chọn để có môi trường học tập, phấn đấu tốt. Rất ít người nghĩ rằng mỗi đứa trẻ chỉ có năng lực tốt trong một lĩnh vực nhất định. Có trẻ giỏi toán, trẻ giỏi văn, trẻ có năng khiếu âm nhạc, trẻ khác lại vẽ đẹp hay chơi thể thao tốt...

Nếu người lớn biết trân trọng mọi năng lực của trẻ một cách công bằng, tạo điều kiện để trẻ phát huy được năng lực, sở trường của mình thay vì chỉ chú tâm vào các môn văn hóa thì chuyện phải cố học thêm sẽ đỡ đi phần nào. Rất ít bậc cha mẹ nghĩ đến việc hôm nay nhồi nhét vào đầu con trẻ đủ thứ môn học rồi 10-15 năm sau chúng lại thất nghiệp, đi làm công nhân lao động giản đơn khi có trong tay tấm bằng cử nhân.

Có cần thiết "phải học thêm" ngay từ bậc tiểu học hay không, trước hết nên bắt đầu từ chính việc khơi thông tư tưởng cho phụ huynh. Thông về tư tưởng rồi thì phải có bản lĩnh, có chính kiến.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao phải học thêm?