Sáng tạo trong dạy môn ngữ văn

07/01/2021 11:50

Các tác phẩm ngữ văn được chuyển thể thành phim, tiểu phẩm… đã tạo sự hứng thú hơn cho học sinh trong quá trình học tập.


Nhóm học sinh lớp 11F Trường THPT Nam Sách thảo luận kế hoạch sản xuất phim "Hai đứa trẻ" dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Thạch Lam

Hiểu nhanh, nhớ lâu

Mới đây, em Vũ Thị Thanh Anh, học sinh lớp 11F Trường THPT Nam Sách cùng 11 thành viên trong tổ đã tham gia sản xuất phim ngắn “Hai đứa trẻ” dựa theo cốt truyện ngắn cùng tên của nhà văn Thạch Lam. Bộ phim dài 15 phút, được quay bằng điện thoại di động. Kịch bản, lời thoại, phân vai diễn… do Thanh Anh và các bạn tự thực hiện. Sau hơn 2 tuần dàn dựng, phim được trình chiếu trong tiết tự chọn của lớp 11F cuối tháng 11.2020. “Toàn bộ nội dung, thông điệp từ bài học được thể hiện hết qua bộ phim. Việc tham gia diễn xuất giúp chúng em không chỉ hiểu bài nhanh mà còn được tiếp cận, tìm hiểu những ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng tương tác, hỗ trợ nhau trong học tập tốt hơn”, Thanh Anh chia sẻ.

Ngoài phim “Hai đứa trẻ”, học sinh thuộc 3 tổ khác trong lớp của Thanh Anh cũng làm 3 phim ngắn khác dựa theo cốt truyện của các tác phẩm văn học cùng tên gồm: Hạnh phúc của một tang gia, Chí Phèo, Chữ người tử tù. Các em rất hứng thú với cách học này.

Cô giáo Trần Thị Lành, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Nam Sách cho biết việc gợi ý, hướng dẫn học sinh chuyển thể các tác phẩm văn học thành các loại hình phim, tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ đã được chị cũng như các đồng nghiệp khác thực hiện trong vài năm trở lại đây. Căn cứ vào chương trình từng khối lớp, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh lựa chọn loại hình nghệ thuật phù hợp. Với các tác phẩm văn học thuộc thể loại truyện, kịch sẽ chuyển thể thành phim. Với các tác phẩm thơ, bút ký, chuyển thể nội dung thành tác phẩm tranh ảnh (có thuyết trình) hoặc bài hát dựa trên nền nhạc có sẵn… Việc này có thể giao làm theo tổ hoặc lớp. Phim được trình chiếu tại lớp bằng màn hình máy chiếu; tiểu phẩm, ca khúc thể hiện đầu tiết học, trong tiết tự chọn hoặc giờ hoạt động ngoại khóa. “Dạy ngữ văn theo phương pháp truyền thống là nghe giảng và ghi chép khiến học sinh dễ chán nản. Từ khi áp dụng phương pháp này thì thấy hiệu quả rõ nhất là các em hiểu bài nhanh, ghi nhớ sâu các sự kiện trong tác phẩm văn học, hứng thú và yêu môn học này hơn”, cô Lành chia sẻ.

3 năm học gần nhất, tổ ngữ văn Trường THPT Tứ Kỳ đều tổ chức hoạt động ngoại khóa liên quan đến việc dạy và học môn ngữ văn, đó là “Viết lại kịch bản cho các tác phẩm văn học”, “Trình diễn thời trang văn học” và “Âm nhạc hóa các tác phẩm văn học”. Học sinh mỗi lớp căn cứ vào nội dung từng tác phẩm, tính cách, đặc điểm của nhân vật để chuyển thể thành những vở diễn, ca khúc, trình diễn thời trang hoặc viết lại tác phẩm theo suy nghĩ của bản thân… “Các em buộc phải đọc tác phẩm để hiểu thì mới có thể chuyển thể thành vở diễn, ca khúc… Điều này thôi thúc cả những em theo khối tự nhiên cũng tích cực học môn ngữ văn. Quan trọng hơn là tạo ra sự hứng thú, sáng tạo, năng động trong chính các em. Bài viết của học sinh trong các tiết kiểm tra rất sinh động, đọc hay và có tính sáng tạo cao hơn so với phương pháp dạy truyền thống trước đây”, cô Nguyễn Thị Thanh Hồng, giáo viên ngữ văn Trường THPT Tứ Kỳ nói.

Cần được nhân rộng

Giáo viên ở một số trường THPT khác trong tỉnh cũng bắt đầu tích cực áp dụng cách làm trên trong giảng dạy môn ngữ văn. Họ cho rằng sự sáng tạo này đem lại nhiều hiệu ứng tích cực và cần được nhân rộng.

Việc nhân rộng những cách làm này không khó bởi chính học sinh rất hứng thú với việc được tham gia đóng phim, trình diễn thời trang, thuyết trình. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, đa số học sinh THPT đều có điện thoại di động, các trường đều có ti vi, máy chiếu… Đây là cơ sở để có thể áp dụng phương pháp dạy học trên. 

Để nhân rộng những phương pháp sáng tạo trong dạy ngữ văn rất cần sự tâm huyết, quyết tâm của nhà trường và mỗi giáo viên dạy môn học này. Sau mỗi bài giảng trên lớp, giáo viên cần căn cứ vào thể loại tác phẩm, nội dung cốt truyện, năng lực của học sinh để hướng dẫn các em chuyển thể tác phẩm văn học thành loại hình nghệ thuật khác sao cho phù hợp. “Không phải tác phẩm nào cũng cho học sinh đóng phim được. Ví dụ như tác phẩm Rừng xà nu có cánh lính ngụy tra tấn man rợ mẹ con Mai. Nếu dựng thành phim e rằng rất phản cảm, ảnh hưởng đến việc hình thành tính thẩm mỹ và nhân cách của học sinh. Với tác phẩm này chỉ nên cho các em thể hiện cốt truyện, những ý chính trong bài học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy”, cô Lành nêu quan điểm.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Sáng tạo trong dạy môn ngữ văn