Sáng nay, 22.10: Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

21/10/2018 07:44

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ khai mạc trọng thể vào sáng nay 22.10, tại Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Theo dự kiến, trong buổi sáng làm việc đầu tiên, trước khi Quốc hội chính thức khai mạc, các đại biểu sẽ đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp đó Quốc hội họp phiên trù bị thông qua chương trình kỳ họp. Đúng 9 giờ, Quốc hội khai mạc kỳ họp.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019…

Diễn ra vào cuối năm, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội có nhiều nội dung quan trọng, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về về kế hoạch 5 năm 2016 – 2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, từ đó xem xét, tìm ra vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp này Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.

Đặc biệt, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay từ những phiên họp đầu tiên (dự kiến ngày 23.10). Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước; đồng thời xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Một nội dung quan trọng khác được dư luận, cử tri quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ chức danh Chủ tịch nước và  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông do mới được Quốc hội bầu). Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Trong đó, có những dự án Luật được thông qua nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, cử tri như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch…

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với hình thức “hỏi nhanh – đáp gọn” tiếp tục được phát huy. Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 sẽ không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… mà dành trọn vẹn 3 ngày cho các đại biểu chất vấn những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra giải pháp khắc phục.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ), họp phiên bế mạc vào ngày 21.11.  Dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp).

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng nay, 22.10: Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV