Xem - Nghe - Đọc

Sách tuyển chọn những bài thơ cổ Trung Quốc

Theo VnExpress 24/12/2023 17:55

Một số bài thơ thời Đường hay trong tập "Kinh thi'' được tổng hợp ở cuốn "Tuyển chọn thơ cổ Trung Quốc".

Sách gồm 73 bài thơ của các tác giả như Vương Duy, Đỗ Phủ, Lưu Vũ Tích... do Ngô Thái Tần biên soạn, Lý Chính biên dịch. Đa số bài đều có phần ngôn ngữ gốc cùng phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, dịch thơ sang tiếng Việt và lời bình. Số khác chỉ có phần dịch Hán Việt và được bình giải bằng tiếng Việt.

Cuốn sách do Câu lạc bộ giao lưu văn hóa Việt - Trung hợp tác Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội tổng hợp và xuất bản. Ảnh: Phương Linh

Sách do Câu lạc bộ giao lưu văn hóa Việt - Trung hợp tác Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội tổng hợp, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành

Các tác phẩm được lựa chọn đều ghi dấu ấn ở dòng văn học dân gian và văn học bác học Trung Quốc. Nổi bật trong số đó là bài Vịnh nga của Lạc Tân Vương (khoảng 640-684). Ông nổi tiếng về ca hành và là một trong "Tứ kiệt Sơ Đường" trong lịch sử văn học xứ Trung.

Bài Vịnh nga tương truyền được ông viết vào năm lên bảy tuổi, nội dung tả con ngỗng đang bơi. Dưới con mắt trẻ thơ, Lạc Tân Vương khéo dùng từ ngữ tả màu, mô tả bức tranh mình chứng kiến: "Nga nga nga, khúc hạng hướng thiên ca/ Bạch mao phù lục thủy, hồng chưởng bát thanh ba". Bài thơ được dịch nghĩa: "Quạc quạc quạc! Nghển cổ lên trời con ngỗng kêu/ Bộ lông trắng toát lướt nhẹ nhàng, đôi chân đo đỏ đạp nước xanh". Tác phẩm không có phần dịch thơ.

Nhiều bài gợi phong cảnh, cuộc sống sinh hoạt của người dân Trung Quốc cách đây 2.000 năm, khắc họa tình yêu quê hương, tình cảm đôi lứa, tình bạn bè tri kỷ. Tào Tháo miêu tả khí thế biển cả với cảnh vật động và tĩnh, thể hiện tấm lòng rộng mở của bản thân cùng bài thơ Quan thương hải (Ngắm biển). Nhà thơ Vương Hàn dùng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, tả cảnh một bữa tiệc khao quân thịnh soạn trước khi ra trận, thể hiện tinh thần yêu nước của các tướng sĩ trong Lương Châu từ.

Một số tác phẩm cho thấy bối cảnh lịch sử, như Lưu Bang gõ đàn trúc, hát vang bài Đại phong ca (Bài ca gió to) để ăn mừng chiến thắng quân Kình Bố. Hay Vương Xương Linh đồng cảm với những binh lính chinh chiến lâu ngày không được trở về qua Xuất tái (Quan ải).

Theo bà Ngô Thái Tần - đại diện ban biên tập sách, các tác phẩm văn học, trong đó có thơ ca đã phản ánh mọi mặt của cuộc sống xã hội đương thời một cách chân thực, sống động. Bà Ngô Thái Tần cho biết cùng các cộng sự tham khảo nhiều cuốn sách của những nhà xuất bản Trung Quốc, phần dịch thơ của các tác giả Việt Nam để hoàn thành Tuyển chọn thơ cổ Trung Quốc.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, cho rằng người dân Việt Nam đọc thơ phương Tây khoảng 100 năm nay nhưng đã tiếp xúc thơ cổ Trung Quốc cách đây 2.000 năm. "Điều đó cho thấy dân tộc ta có truyền thống giao lưu văn hóa sâu sắc, lâu đời với thơ ca Trung Quốc", ông nói tại buổi ra mắt sách hôm 22/12.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình, Chủ nhiệm câu lạc bộ giao lưu văn hóa Việt - Trung, mong sách hữu dụng và có ý nghĩa với người muốn tìm hiểu văn học Trung Hoa cổ đại. Từ đó tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần gia tăng tình hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện. Ông Phạm Thế Khang, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết sách được phát hành phi lợi nhuận, dành cho sinh viên tiếng Trung tại các trường đại học.

Câu lạc bộ giao lưu văn hóa Việt - Trung thành lập năm 1999, hiện hoạt động dưới sự chỉ đạo của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong 25 năm qua, câu lạc bộ thường tổ chức những hoạt động giúp tăng cường hiểu biết, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách tuyển chọn những bài thơ cổ Trung Quốc
    ss