Ngay khi mở cửa phiên sáng 6/8, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như “rơi tự do” khi VN – Index mất luôn mốc 960 điểm.
Chứng khoán đỏ sàn trong phiên giao dịch sáng 6.8
Vào lúc 9h 45', VN- Index giảm tới hơn 14 điểm, xuống 958,97 điểm. Toàn sàn chỉ có 55 mã tăng giá, trong khi có tới 218 mã giảm giá.
HNX – Index cũng giảm 1,44 điểm, xuống 101,49 điểm. Toàn sàn có 29 mã tăng, trong khi có tới 67 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu VN30 chìm trong sắc đỏ, chỉ còn duy nhất mã SAB tăng nhẹ 0,2%. Các mã còn lại đều ở chiều giảm giá sâu.
Cụ thể, bộ 3 cổ phiếu họ “Vingroup” là VIC, VHM, VRE đều giảm 1,4%. Các ông lớn ngành thực phẩm đồ uống là VNM và MSN đều giảm 2%, VJC giảm 1,2%...
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, không có mã nào tăng giá. Các mã giảm giá mạnh như SHB giảm 3,2%, TCB giảm 2,7%, ACB giảm 2,3%, CTG và BID đều giảm 1,7%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ngập trong sắc đỏ. Các mã PVC, PVD, PVS, POW đều giảm ở mức hơn 2%.
Tại thời điểm 10h 45' thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ khi VN – Index lấy lại mốc 965 điểm.
Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS), việc thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt mất điểm mạnh trong những ngày gần đây cũng là yếu tố tác động trực tiếp tới diễn biến tiêu cực trong nước. Khi kết quả kinh doanh quý II đã được đa số các doanh nghiệp công bố, nhìn chung thời điểm này sẽ là giai đoạn vùng trũng thông tin trong nước, chính vì vậy thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang có diễn biến leo thang căng thẳng.
Ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, nhà đầu tư lo ngại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 đã tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Bên cạnh đó thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu và Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Những yếu tố trên cộng hưởng với việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khiến cho mức giảm điểm của thị trường trong những phiên đầu tuần này càng mạnh hơn.
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí nhận định, hai yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính quốc tế và thị trường chứng khoán Việt Nam là việc Fed giảm lãi suất 0,25% và thông điệp Mỹ đánh thuế 10% hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Rõ ràng câu chuyện chiến tranh thương mại đang theo chiều hướng xấu hơn, việc này sẽ dẫn đến tình hình tài chính, thương mại toàn cầu có biến động lớn.
Nhìn sâu xa hơn, nhà đầu tư đang có những lo ngại từ câu chuyện “ chiến tranh tiền tệ”. Chính sách tiền tệ các nước sẽ theo diễn biến, kịch bản mới và khả năng lạm phát tăng cùng với tỷ giá biến động mạnh. Rõ ràng việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Khánh, do ảnh hưởng của các thông tin này cả kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu giảm, nhất là thị trường chứng khoán Mỹ có mức giảm kỷ lục vào ngày hôm qua khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 767,27 điểm, tương đương 2,9%. Đây là một thông tin tiêu cực tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Chính vì thế thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên đầu tuần có nhịp điều chỉnh.
Thực tế, ở rất nhiều mã chủ chốt chính trên thị trường đang diễn ra sự điều chỉnh, nhưng không diễn ra bán trong “hoảng loạn”. Thị trường không quá giảm mạnh “dữ dội” như trong các đợt giảm mạnh trước đây tới 20 đến 30 điểm một phiên.
Trước đó, thị trường chứng khoán thế giới lao dốc trong phiên ngày 5/8 giữa bối cảnh Bắc Kinh “phớt lờ” thông báo áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng động thái “thả nổi” đồng Nhân dân tệ và ngừng mua hàng nông sản của Mỹ.
Động thái trên đã làm dấy lên làn sóng bán tháo cổ phiếu tồi tệ nhất trên Phố Wall kể từ đầu năm đến nay, đồng thời gây ra đợt mất giá đáng kể của các mã cổ phiếu lớn tại thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu. Nhà đầu tư chứng khoán càng thêm lo ngại căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên bi quan hơn.
Khép phiên ngày 5/8, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều mất điểm mạnh và lui về ngưỡng của một năm trước đây. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 767,27 điểm, tương đương 2,9%, xuống còn 25.717,74 điểm và là mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ tháng 12.2018. Chỉ số S&P 500 mất 3%, xuống 2.844,74 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,5%, xuống 7.726,04 điểm.
Theo TTXVN