Rục rịch hạ lãi suất

02/09/2011 22:33

Thực hiện chủ trương kéo lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã rục rịch hạ lãi suất.

Ngân hàng TCMP Ngoại thương (Vietcombank) nhanh chóng đi tiên phong với chi nhánh Vietcombank Đà Nẵng khi tập trung cho các DN vừa và nhỏ có nhu cầu vay sản xuất với lãi suất 17%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ dành nhiều ưu đãi và lãi suất cho các DN vay xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn với lãi suất chỉ 16%/năm. Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết đây là chủ trương chung của toàn hệ thống ngân hàng ngoại thương, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai tại các chi nhánh khác trên cả nước.

VPBank cũng đang dành ra khoảng vài nghìn tỉ đồng để thực hiện các gói sản phẩm hạ lãi suất cho các DN sản xuất xuống còn 17-19%/năm ngay trong tháng 9 này, ông Nguyễn Hưng - TGĐ VPBank - chia sẻ. Cũng theo ông Hưng, ngân hàng không gặp khó khăn gì lớn về nguồn vốn và thanh khoản. Hiện nay tăng trưởng tín dụng của VPBank khoảng 10%, từ nay đến cuối năm còn dư địa 10%, ngân hàng đủ nguồn để có thể cho vay với lãi suất 17%-19%/năm. “Tuy nhiên, theo tôi thấy cái khó nhất của các ngân hàng hiện nay là hạn mức tăng trưởng 20% của Ngân hàng Nhà nước. Vì thực ra, nhiều ngân hàng còn vốn nhưng không thể nào cho vay ra được do đã xài hết hạn mức này”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) - cho biết cách đây 2 tuần, Techcombank đã triển khai một gói hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trị giá 2.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay 19%/năm. Techcombank hiện đang giải ngân khoản này cho khách hàng. Trên cơ sở xu hướng chung của thị trường giảm lãi suất huy động về 14%/năm, lãi suất cho vay có cơ sở giảm xuống và khả năng về 17-19%/năm vào nửa cuối tháng 9. Nhưng theo ông Vinh, mức lãi suất cho vay này chỉ có thể áp dụng đối với khách hàng tốt, chứ chưa thể phổ biến cho toàn bộ khách hàng vay. Hơn nữa, tùy theo mức độ rủi ro của mỗi khách hàng khác nhau sẽ có mức lãi suất cho vay khác nhau.

Dù là ngân hàng nhỏ nhưng ông Phan Đào Vũ - TGĐ BaoVietBank - cho biết ngân hàng cố gắng tập trung nguồn vốn cho vay sản xuất với lãi suất theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất hạ bắt đầu từ kỳ ngắn hạn

Giảm từ kỳ hạn ngắn

Theo ông Vũ, sở dĩ các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất do Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện lời hứa của mình khi xóa bỏ rào cản - tỷ lệ cấp tín dụng/huy động vốn 80% giúp nguồn vốn được lưu thông, điều hòa giữa thị trường 1 và thị trường 2, khơi thông được vốn đã bị nằm chết lâu nay. Nhưng trước mắt các ngân hàng chỉ có thể sử dụng vốn ngắn hạn cho vay ngắn hạn. Vì thực tế, vẫn còn quy định các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. “Về lâu dài chắc sẽ có sự điều chỉnh. Trước mắt, xóa bỏ tỷ lệ 80% nguồn vốn luân chuyển thông thoáng, cung vốn cho thị trường dồi dào hơn, như vậy thực hiện chủ trương kéo mặt bằng lãi suất xuống là khả thi” - ông Vũ nói.

Thực tế, đa phần các ngân hàng lớn hiện nay đều không cảm thấy khó khăn trong việc giảm lãi suất, bởi thực tế với động thái “tháo van” tỷ lệ cấp vốn/huy động 80% giúp các ngân hàng có thể sử dụng được thêm một phần nguồn vốn huy động để cho vay. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng tỷ lệ trên được tháo chủ yếu ngân hàng lớn được hưởng lợi nhiều hơn, vốn dồi dào, thanh khoản tốt hơn. Bởi khi tính tỷ lệ cấp tín dụng/vốn huy động, nguồn để tính vốn huy động là nguồn vốn không kỳ hạn và nguồn vốn có kỳ hạn trên 3 tháng. Trong khi chỉ các ngân hàng lớn, quốc doanh mới có nhiều vốn của tổ chức gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dài còn ngân hàng nhỏ rất ít. “Vì vậy các ngân hàng lớn phải tiên phong cho việc giảm lãi suất cho vay là đương nhiên khi Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện lời hứa của mình là tháo dỡ các rào cản, tạo sự lưu thông, điều hòa vốn trên thị trường” - chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, hiện nay các ngân hàng nhỏ nếu có vay được vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng phải phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của các ngân hàng lớn. Trong khi đó, với quy định các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn trên thị trường này rõ ràng thanh khoản của các ngân hàng nhỏ sẽ không được cải thiện là bao. Nhiều ngân hàng nhỏ đang “đói” thanh khoản vẫn hy vọng, có thể thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu bắt buộc, yêu cầu ngân hàng thừa vốn mua lại, và tái cấp vốn cho mình.

Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - cho rằng vấn đề là các ngân hàng cùng thực hiện đưa lãi suất huy động về mức 14%/năm, không có ngân hàng nào phá rào đưa mức lãi suất huy động cao hơn. Trong trường hợp phát hiện ngân hàng phá rào tăng lãi suất huy động cao hơn mức 14%/năm, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm thì mới có thể thực hiện được việc giảm lãi suất cho vay về 17-19%/năm.

Anh Vũ - Thanh Xuân (TN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rục rịch hạ lãi suất