Chưa đầy một ngày mở cửa miễn phí cho người dân trải nghiệm tàu Nhổn - ga Hà Nội, hình ảnh tấm vé tròn độc đáo được chia sẻ trên khắp mạng xã hội. Không ít người đã lên lịch đến Hà Nội để trải nghiệm tàu sắt trên cao.
Thấy mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh vé vào cửa tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có dập hình Khuê Văn Các, Phạm Trang tranh thủ đến check-in vào trưa 8/8.
Nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội nói lần đầu thấy tấm vé tàu "đơn giản, gọn nhẹ nhưng rất Hà Nội" nên tranh thủ giờ nghỉ trưa đến trải nghiệm.
"Khác với vé giấy hay thẻ quẹt trên xe buýt, vé của metro Nhổn - ga Hà Nội có thiết kế đơn giản, không in số hay chữ nhưng lại ngầm thể hiện 'đây là Hà Nội' càng khiến tôi muốn cầm trên tay", Trang nói.
Cô cũng cho biết sau khi khoe ảnh chụp vé lên trang cá nhân, không ít bạn bè cũng hẹn chiều tan làm sẽ đi trải nghiệm, bởi tàu chạy liên tục từ 5 giờ 30 đến 22 giờ mỗi ngày, 10 phút có một chuyến.
16 giờ, Phạm Thị Diệu, 19 tuổi cùng bạn trai đến ga Cầu Giấy để trải nghiệm đường sắt trên cao. Nữ sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia Hà Nội nói muốn thử đi tàu trên cao và tham quan 8 ga trên chặng từ Nhổn đến Cầu Giấy.
Ngoài ấn tượng với tốc độ chạy nhanh nhưng không lắc, Diệu nói vé của tuyến tàu này là một điểm thú vị bởi thiết kế dễ dàng bỏ túi, cất gọn.
"Tôi thấy mọi người ví tấm vé này có hình dạng giống chiếc bánh oreo bởi với màu nâu đen, nhưng ấn tượng hơn cả chính là hình ảnh Khuê Văn Các dập chìm. Chỉ là chi tiết nhỏ nhưng đã thể hiện sự tỉ mỉ trong từng chi tiết của cơ quan quản lý và vận hành", Diệu nói.
Xuống ở ga Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, ông Lều Thọ Trường, 78 tuổi cùng hai người bạn là Nguyễn Đình Hoàn 86 tuổi và Trần Quốc Bảo, 80 tuổi nói dành một tiếng để trải nghiệm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội và xuống các ga phụ.
Từng đi nhiều nước, ông Trường nói tàu trên cao của Việt Nam dù mới chạy thử nhưng khá ổn định, vận tốc nhanh nhưng không lắc, không thua kém các nước phát triển. Tuy nhiên khoảng cách từ sân ga bước lên tàu chưa khít, lo ngại trẻ nhỏ nếu không để ý dễ hụt chân. Ông đề nghị ở các ga nên lắp đặt rào chắn tại điểm chờ tàu thay vì chỉ dán vạch vàng cảnh báo để bảo đảm an toàn.
Nhắc về điểm ấn tượng trong hành trình trải nghiệm ông Trường cho rằng chính là thiết kế tấm vé hình tròn, bởi vé giấy dễ nhàu nát, trong khi thẻ từ lại cong vênh hoặc mờ lớp sơn màu sau thời gian dài sử dụng.
Tuy nhiên, ông Hoàn cho biết điểm chưa hài lòng là kích thước vé hơi bé, có thể gây khó cho người cao tuổi mắt kém, tay chân run hoặc trẻ nhỏ.
Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết vé ra vào đường sắt Nhổn - ga Hà Nội là sử dụng token (có hình dạng đồng xu), khác với thẻ quẹt tại ga Cát Linh - Hà Đông. Hình dạng vé phụ thuộc vào công nghệ của đoàn tàu. Tàu Nhổn - ga Hà Nội sử dụng công nghệ Pháp nên sử dụng thẻ token giống quy chuẩn trên toàn thế giới.
"Yêu cầu kỹ thuật cơ bản của thẻ token chỉ đơn giản là hình tròn có màu sẫm, còn hình ảnh trên thẻ sẽ do Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội nghiên cứu, thiết kế", vị đại diện nói.
Nhắc về lo ngại của người dân về việc thẻ token cho tuyến tàu Nhổn - ga Hà Nội có thiết kế nhỏ, người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ dễ đánh rơi, người đại diện cho biết chính sách của Hà Nội là trẻ dưới 6 tuổi đi cùng với người lớn sẽ được miễn phí vé, không lo rơi mất.
Vừa kết thúc tiết học, Trần Anh Đạt, 20 tuổi, sinh viên năm ba Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng rủ 5 người bạn đi bộ sang ga Nhổn để đi tàu và chụp ảnh cùng tấm thẻ độc đáo.
"Thiết kế thẻ là một sáng kiến độc đáo, thú vị mà các phương tiện công cộng khác có thể cân nhắc chuyển đổi, vừa bảo vệ môi trường lại vẫn mang nét độc đáo riêng biệt của Thủ đô", Đức nói.
Chưa đầy một ngày mở cửa miễn phí cho người dân trải nghiệm tàu Nhổn - ga Hà Nội, hình ảnh tấm vé tròn độc đáo được chia sẻ trên khắp trang mạng xã hội. Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận bày tỏ sự ấn tượng với thiết kế. Không ít người đã lên lịch đến Hà Nội để trải nghiệm tàu sắt trên cao. Một trong số đó là gia đình chị Phương Minh ở Hải Phòng. Người phụ nữ 32 tuổi cho biết sáng thứ 7 tuần này sẽ cùng chồng và con gái đến trải nghiệm tàu và check-in tấm vé độc đáo.
"Tôi không thể chờ đến khi toàn tuyến hoạt động là năm 2027 nên muốn đi ngay. Thấy mọi người khoe ảnh chụp cùng tàu và tấm thẻ đặc biệt, tôi cũng muốn được lưu lại khoảnh khắc này", chị Minh nói.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro cho biết Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình 35 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách.
Ngay trong ngày đầu tuyến metro vận hành thương mại đã có đông khách đến trải nghiệm. Càng về chiều lượng khách đến trải nghiệm càng đông, toàn bộ bốn toa đều trong tình trạng kín khách.
"Dù chạy thử nhưng lượng khách đến trải nghiệm lớn và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Trường nói.
TB (tổng hợp)