Chị Gấm đã không hiểu hết những nỗi khổ mà chồng chị phải gánh chịu từ khi chị thay đổi. Anh Quân mệt mỏi cả thể xác và tinh thần.
Chồng là sĩ quan quân đội, vợ làm việc trong cơ quan nhà nước, hai đứa con một trai, một gái cách nhau 5 năm, khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi, nhà cửa khang trang, lại vừa mua được xe ô tô để thỉnh thoảng về quê, đi chơi dịp cuối tuần. Đúng là một gia đình lý tưởng. Quân cứ ngỡ hạnh phúc gia đình mình êm đềm, bền vững nên anh cũng rất hãnh diện với đồng nghiệp, bạn bè. Ngờ đâu, chị Gấm - vợ anh bỗng dưng đổi tính đổi nết, sinh ra ăn chay. Lúc đầu anh chỉ nghĩ vợ mình muốn giảm cân, làm đẹp nên mới ăn uống kiêng khem như thế vì phụ nữ ngoài 40 tuổi thường ám ảnh sợ béo, sợ già. Nhưng sự việc không đơn giản như anh nghĩ.
Sau một thời gian ăn chay, chị Gấm thường xuyên mang về nhà rất nhiều sách kinh kệ gối đầu giường. Trước khi đi ngủ, chị tụng kinh. Khi cả nhà còn đang ngon giấc, chị đã tỉnh dậy để... tụng kinh. Những ngày cuối tuần, anh Quân được nghỉ, chị cũng không còn quan tâm chăm chút chồng con, không cải thiện bữa ăn. Chị cứ ngồi suốt trong phòng thờ để tụng kinh gõ mõ, mặc cho ba bố con dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và cơm nước.
Chưa dừng lại ở đó, chị Gấm còn tham gia các nhóm khất thực, đi lễ xa nhà. Chị thường đi ba ngày, năm ngày, bỏ mặc hai con tự lo mọi việc. Một đứa cuối cấp, chuẩn bị thi đại học, một đứa bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi. Anh Quân vô cùng lo lắng. Anh khuyên vợ đủ điều, rằng các cụ bảo “thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Các con cũng xúm vào phàn nàn: “Con ôn thi bận lắm, mệt lắm, mẹ ở nhà nấu cơm cho con đi”. Con gái thứ hai cứ phụng phịu: “Mẹ chẳng giống mẹ của các bạn con gì cả”. Tháng trước, con bé đến tháng bị đau bụng quằn quại khi đang học ở trường, cô giáo chủ nhiệm gọi cho chị Gấm nhưng chị bảo đang ở xa, không về được. Anh Quân nhận tin phải tức tốc từ đơn vị về trường đón con thì cô giáo đã đưa con vào bệnh viện rồi. Anh Quân từ đó vất vả gấp đôi, rảnh là anh về nhà ngay với hai con. Anh nhờ cả bố mẹ hai bên khuyên nhủ nhưng chị Gấm cũng không thay đổi. Chị ngày càng lún sâu vào đường tu tập. Việc cơ quan thì chị bỏ bê, nhờ người khác làm thay. Lúc đầu chị còn xin phép thủ trưởng mỗi khi đi lễ xa nhà nhưng xin nghỉ nhiều, không có lý do chính đáng, chị không được chấp thuận. Vậy mà chị chẳng bận tâm, chị nghỉ tùy tiện.
Anh Quân rầu rĩ, nẫu cả ruột gan khi biết chị Gấm bị cơ quan cho thôi việc. Đến nước này thì anh phải cương quyết: một là em thay đổi, hai là chúng ta ly dị. Chị Gấm quay ra khóc lóc, níu kéo, trách chồng không hiểu mình, không vì mình. “Vợ người ta thay đổi tích cực, tập yoga cho khỏe người, đẹp dáng, chăm chút chồng con, gia đình, còn vợ mình thì suốt ngày tụng kinh gõ mõ. Em thấy thế có được không?”. Chị Gấm gào lên: “Nhưng em không thể bỏ được, ngày nào không được tụng kinh là em không chịu được”. Anh Quân cũng không nhịn nữa, anh quả quyết: “Không biết cô ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà tự dưng sinh ra thế. Cô bỏ bê chồng con, nhà cửa... Cô xem lại mình đi. Tôi hết chịu nổi cô rồi”. Vợ chồng anh Quân lời qua tiếng lại cho đến khi chị Gấm thách thức: “Tôi đố anh dám bỏ tôi đấy”. Hóa ra chị cậy mình đang “cầm chuôi” vì sổ đỏ chỉ mang tên chị. Mảnh đất xây nhà này là bố mẹ đẻ tặng cho chị. Chị nghĩ đó là thứ ràng buộc để anh Quân không dám bỏ vợ.
Nhưng chị Gấm đã không hiểu hết những nỗi khổ mà chồng chị phải gánh chịu từ khi chị thay đổi. Chuyện vợ chồng chẳng còn mặn nồng như xưa. Kinh tế gia đình sa sút. Anh Quân mệt mỏi cả thể xác và tinh thần. Anh quyết định chìa tờ đơn xin ly hôn ra cho vợ ký. Chị Gấm sững sờ, xé ngay tờ đơn và vứt vào sọt rác. Chị tuyên bố: “Không đời nào”. Giá mà chị biết tỉnh ngộ, quay đầu để cứu vãn cuộc hôn nhân đang bên bờ vực của mình thì có lẽ anh Quân cũng sẽ nghĩ lại để cùng nhau hàn gắn.
TRẦN THỊ LÀNH