Nhận thức được tác hại to lớn của túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, nhiều mô hình tiêu biểu trong việc hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm làm từ nhựa xuất hiện...
>> Rác thải nhựa - Tiếng kêu từ môi trường. Bài 1: Nhìn từ các bãi rác và nhà máy xử lý
>> Rác thải nhựa - Tiếng kêu từ môi trường. Bài 2: Thói quen chưa dễ bỏ
Tập đoàn An Phát Holdings đi đầu trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường
Cơ quan, đoàn thể nêu gương
Tại cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 7.2019, Văn phòng Tỉnh ủy đã dùng chai thủy tinh thay cho toàn bộ chai nhựa để đựng nước uống.
Sau đó, trong các hội nghị, cuộc họp, bữa cơm phục vụ đại biểu tham dự hội nghị tại Tỉnh ủy cũng không còn sử dụng chai nước, ống hút bằng nhựa. Hiện nay, phong trào không sử dụng chai nhựa dùng một lần đã lan rộng, nhận được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Nhận thức được về tác hại của việc xả túi nilon và rác thải nhựa (RTN) ra môi trường, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã triển khai mô hình “Làn xanh đi chợ” thu hút khá đông chị em tham gia.
Sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh hiện có 58 mô hình với sự tham gia của 2.794 hội viên. Chị Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Thủy (Thanh Hà) cho biết: "Trước đây, mỗi hội viên đi chợ sẽ sử dụng từ 4 - 6 túi nilon/ngày.
Sau khi xây dựng mô hình Làn xanh đi chợ, việc sử dụng túi nilon, đồ nhựa đã giảm một nửa. Bên cạnh tập trung tuyên truyền về tác hại của RTN, chúng tôi còn vận động các hộ dân trong xã cùng tham gia mô hình này nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống ở địa phương".
Hưởng ứng phong trào "Nói không với túi nilon và RTN", Huyện đoàn Thanh Miện đã phát động phong trào "Chủ nhật xanh" tại 19 xã, thị trấn.
Sau một thời gian triển khai, Huyện đoàn Thanh Miện đã tổ chức 8 đợt ra quân thu hút trên 4.000 lượt đoàn viên tham gia, thu gom được trên 3 tấn RTN tại nhiều đường làng, ngõ xóm, trụ sở UBND, trường học, khu di tích...
Việc phát động và duy trì đều đặn hoạt động thu gom túi nilon và RTN góp phần thay đổi nhận thức của các đoàn viên cũng như người dân địa phương về tác hại của RTN đối với môi trường, từ đó hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm làm từ nhựa.
Các doanh nghiệp đi đầu
Tập đoàn An Phát Holdings là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Đại diện tập đoàn này cho biết hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon để giảm thiểu RTN, trong đó có nhiều nước là thị trường chủ lực của công ty.
Từ năm 2015, doanh nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thành công túi vi sinh phân hủy có nguồn gốc từ tinh bột ngô với thương hiệu là AnEco. Sản phẩm này khác hoàn toàn với các sản phẩm túi tự hủy trên thị trường hiện nay do khi phân hủy không sản sinh ra các hạt vi nhựa.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất thêm nhiều sản phẩm dùng một lần như thìa, nĩa, găng tay… đều có nguồn gốc từ nhựa sinh học (tinh bột) phân hủy hoàn toàn.
Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn An Phát Holdings đã góp vốn vào Công ty Top Leaf Company (Hàn Quốc) để sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn.
Sự hợp tác này sẽ giúp tập đoàn sở hữu các quyền về phát minh, sáng chế trong sản xuất nguồn nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, giảm giá sản phẩm sinh học xuống từ 30 - 40%.
Từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm sinh học góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Nếu như Tập đoàn An Phát Holdings đi đầu trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thì nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau triển khai các giải pháp hạn chế phát thải RTN ra môi trường.
Gần đây, thay vì phát chai nhựa cho khách, một số doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước, dần từ bỏ ống hút nhựa.
Dẫn khách về dự Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, anh Nguyễn Tiến Thành, hướng dẫn viên một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội cho biết: "Công ty chúng tôi chủ yếu chạy tour Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Vào dịp lễ hội, lượng khách đông gấp 3 - 4 lần ngày thường.
Trước đây, trung bình mỗi ngày 1 tour tiêu thụ từ 50-100 chai nước các loại. Hiện tại, chúng tôi đã chuyển sang dùng bình lớn, sử dụng cốc hoặc tái sử dụng các chai nhựa cũ để đựng nước cho khách".
Là một doanh nghiệp lớn với gần 20.000 công nhân, từ đầu tháng 9, Công ty TNHH May Tinh Lợi đã phát động phong trào: “Nói không với đồ nhựa dùng một lần”. Tất cả phòng, ban, xưởng sản xuất của đơn vị sẽ không sử dụng chai nước uống bằng nhựa dùng một lần.
Các phòng họp, phòng làm việc của cán bộ, nhân viên, phòng vui chơi giải trí sẽ được bố trí các bình nước loại lớn hoặc cây nước nóng lạnh và cốc thủy tinh.
Sữa tắm, dầu gội đầu, nước rửa tay cũng được đựng trong các bình bằng gốm sứ hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường.
Công ty cũng sẽ không sử dụng túi nilon cho các thùng rác cá nhân, không sử dụng ống hút nhựa, giảm túi nilon và cốc nhựa dùng 1 lần trong căng tin và nhiều hoạt động khác.
Nói không với túi nilon và sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần không có nghĩa cự tuyệt hoàn toàn với loại vật liệu này. Hiện nay, túi nilon và các sản phẩm từ nhựa vẫn có vai trò quan trọng trong cuộc sống.
Việc cấp thiết là tuyên truyền nhằm tạo dựng và duy trì thói quen hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Xây dựng ý thức thu gom túi nilon và các sản phẩm từ nhựa sau sử dụng để tái chế, không xả bừa bãi ra môi trường cũng là một cách để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
VỊ THỦY- ĐỖ QUYẾT