Không có sẵn tài chính cho những tình huống khẩn cấp
Bạn có thể nghĩ rằng mọi thứ đang diễn ra tuyệt vời, nhưng bất ngờ xe hỏng, máy giặt trục trặc, hay bạn bị ốm phải nằm viện... Trong những tình huống đó, nếu có sẵn tiền tiết kiệm, bạn sẽ không khó khăn.
Thực tế, dù có tiết kiệm tiền hay không, bạn vẫn liên tục có những khoản chi tiêu bất ngờ. Sự khác biệt duy nhất là bạn càng tiết kiệm được nhiều tiền, những tình huống phải chi tiêu bất ngờ này càng ít ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Ví dụ, nếu không có sẵn tiền trong quỹ khẩn cấp, thay mới cái xe máy có thể khiến cuộc sống của bạn bí bách, khi có sẵn 40 triệu dự phòng, bạn sẽ thấy việc mua xe đơn giản.
Chìm trong nợ nần thay vì lên kế hoạch cho tương lai
Trong thời đại mua sắm rất dễ, các cửa hàng chấp nhận trả góp, ngân hàng mời chào sử dụng thẻ tín dụng, chi tiêu trước trả tiền sau. Tuy nhiên, lựa chọn này kéo theo bạn sẽ phải trả thêm một phần lãi suất. Khi không có ý thức tiết kiệm, bạn sẽ dễ dàng chìm trong nợ nần, luôn trong tình trạng phải lo trả nợ thay vì lên các kế hoạch tài chính, đầu tư.
Thực tế, nhiều người trẻ từng có thu nhập tốt nhưng chi tiêu hơn mức bình thường, dẫn đến về già vẫn phải đi thuê nhà, hoặc phải bán nhà, bán xe để trang trải cuộc sống.
Hai người bạn vừa ra trường, có cùng mức thu nhập 12 triệu, một người chi tiêu hoang phí, mỗi kỳ lương nhận xong tiền là đem trả nợ, sau 10 năm, số dư tài khoản chỉ là 0. Người kia mỗi tháng gửi tiết kiệm 5 triệu, với lãi suất 7,1% một năm, ví dụ như theo hình thức tiền gửi "Bảo ngân tương lai" tại HDBank. Sau 10 năm, người này nhận được 217,8 triệu đồng tiền lãi và 600 triệu đồng tiền gốc, có tổng cộng 817,8 triệu để mở công ty riêng hoặc mua nhà.
Không tiết kiệm tiền, bạn dễ gặp rủi ro trong cuộc sống. Ảnh: strictly-stress-management |
Căng thẳng hơn
Sự thiếu chuẩn bị tài chính và quá nhiều nợ đều dễ khiến người ta mệt mỏi, căng thẳng. Bạn càng bắt đầu tiết kiệm tiền muộn là càng đưa nhiều căng thẳng vào cuộc sống của mình.
Ví dụ, nếu bạn muốn nghỉ công việc đang làm để theo đuổi thứ mình đam mê nhưng bạn không có sẵn tiền tiết kiệm, dù quyết định thế nào, bạn cũng căng thẳng. Nếu nghỉ việc, bạn sẽ phải cố gắng kiếm tiền. Nếu không bỏ việc, bạn có thể căng thẳng vì đang lãng phí thời gian trong công việc mà bạn không thích. Khi không có sẵn tiền, bạn sẽ mất các lựa chọn.
Ít kỳ nghỉ hoặc không được tận hưởng các kỳ nghỉ
Ai cũng cần thỉnh thoảng có các kỳ nghỉ để tái tạo sức lao động và năng lượng cho bản thân, nhưng nếu không có tiền tiết kiệm, bạn sẽ khó thực hiện việc này. Còn nếu vay mượn để đi nghỉ, bạn sẽ lâm vào nợ nần, niềm vui khi đi nghỉ sẽ không trọn vẹn, thậm chí sau kỳ nghỉ sẽ là nỗi lo lắng trả nợ - đi nghỉ có khi còn mệt hơn không đi nghỉ.
Không có sự chuẩn bị cho những sự kiện lớn trong cuộc đời
Các sự kiện lớn trong đời: đám cưới, sinh con, con vào đại học... luôn mang lại niềm vui, nhưng đổi lại cũng rất tốn kém. Nếu muốn hưởng niềm vui đó trọn vẹn, tốt nhất bạn nên tiết kiệm tiền, chuẩn bị sẵn cho những sự kiện đó. Một số sự kiện lớn trong cuộc đời mà bạn sẽ cần nhiều tài chính là đám cưới, sinh con, nghỉ thai sản, lo học phí đại học cho con, mua nhà, mua xe, nghỉ hưu.
Thiếu tự do
Bạn có để ý, khi còn là một thiếu niên, nếu bạn càng cư xử vô trách nhiệm, bố mẹ càng quản lý chặt hơn. Trong khi đó, nếu bạn tuân theo các quy tắc gia đình, hoàn thành mọi việc nhà trước khi đi chơi, bạn được bố mẹ thưởng nhiều tự do hơn. Tiền cũng vậy.
Bạn càng tiết kiệm được nhiều tiền, bạn càng tự do tài chính. Một người có 22 tỷ đồng sẽ có nhiều tự do tài chính hơn người chỉ có 2 tỷ, và chắc chắn người có 22 tỷ kia đã đối xử với đồng tiền có trách nhiệm trong một thời gian dài hơn người chỉ có 2 tỷ. Người ta vẫn nói tự do trong khuôn khổ, khi nói đến tài chính cá nhân, nếu bạn đặt ra ranh giới cho chi tiêu của mình để có thể tiết kiệm một phần thu nhập, bạn sẽ có nhiều tự do hơn.
Hạn chế khả năng giúp đỡ người khác
Tiền vốn là một công cụ để bạn thực hiện các nhu cầu trong cuộc sống của mình, để con có thể đi học đại học, để xây dựng tài sản cho gia đình, là công cụ giúp đỡ người khác khi cần.
Vì vậy, nếu không tiết kiệm, bạn không chỉ có nguy cơ mất khả năng tự giúp mình mà cũng không thể giúp cả những người thân, bởi người ta không thể cho cái mà mình không có. Thậm chí nếu không tiết kiệm, khi đang trong độ tuổi lao động xảy ra rủi ro bất ngờ (thương tật, mất sức lao động...), bạn còn mang gánh nặng tài chính và tinh thần cho gia đình của mình.
Biến mình thành một tấm gương tài chính tồi
Mọi hành động của bạn đều có thể bị con cái theo học và bắt chước, hẳn bạn sẽ không muốn con đi theo vết xe đổ của mình nếu bạn là người không biết quản lý tài chính. Một trong những tấm gương tài chính tốt chính là tiết kiệm tiền. Khi bạn biết tiết kiệm, bạn đã xây dựng được một hình mẫu tài chính tích cực cho người khác, đặc biệt là con của mình.
Phải làm việc đến cuối đời hoặc phải chờ con cái trợ cấp khi về già
Không tiết kiệm, bạn có thể phải nghỉ hưu với số tiền ít ỏi trong tài khoản, để duy trì cuộc sống, phải chờ trợ cấp từ con cháu. Một số người sau 60 tuổi vẫn phải vất vả làm việc toàn thời gian để có đủ chi phí trang trải cho cuộc sống, thay vi về hưu, thoải mái tận hưởng cuộc sống bên con cháu, đi du lịch đó đây.
Ông Trần Quốc Anh khuyên, nếu bạn cảm thấy việc cân đối và kiểm soát tài chính khó quá, bạn hãy trích một phần tiền (khoảng 30 - 50% thu nhập) ngay khi nhận lương, chuyển vào tài khoản tiết kiệm trước khi chi tiêu hàng ngày. Một phần tiết kiệm sẽ dành cho những mục tiêu ngắn hạn, phần còn lại cho cả cuộc đời.
Theo VnExpress