Cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” là một cuốn cẩm nang đề cập đến những sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa.
Ngày 1.7, tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã có có buổi giao lưu, ra mắt giới thiệu cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” của tác giả - nhà báo Nguyễn Quang Thọ.
Theo đó, cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” dày hơn 380 trang, sưu tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ không có mặt trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống. Sách gồm ba phần chính: Chương 1: Mắt thấy tai nghe; Chương 2: Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật; Chương 3: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”; Ghi thêm: Trông người lại ngẫm đến ta; Nhìn vào miệng người bình dân; Lời cuối sách.
Nội dung cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” đề cập đến những sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa để người đọc sẽ thấy những thành ngữ, tục ngữ còn bị bỏ sót, hoặc từ điển giải thích mà chưa chính xác. Ví dụ một số thành ngữ, tục ngũ chưa chính xác được giải thích cụ thể, cặn kẽ trong sách này gồm như: Nhạt như nước ốc ao bèo; Bầu sao nấu nước ao cũng ngọt; Làm ruộng thì gia, làm nhà thì tốn; Bảo hoàng hơn vua; Mồm như cái tỉ vịt… Hoặc có các từ thú vị mà chúng ta sẽ bắt gặp và nghe thấy đâu đó trong đời sống thường ngày như: Để Mị nói cho mà nghe; Ăn cơm trước kẻng; Chạy mất dép; Tiền trao cháo múc; Nằm mơ giữa ban ngày; Mảnh tình vắt vai; Xuống dốc không phanh; Cạp đất mà ăn; Hái ra tiền; Nói cho vuông; Cầm đèn chạy trước ô tô; Nhà mặt phố, bố làm quan; Nóng chảy mỡ; Thấy thương luôn; Thở oxy; Liều ăn nhiều; Khóc tiếng Miên; Ngon nhức nách; Tới luôn đi bác tài; Được ăn cả, ngã nằm luôn; Hồng nhan bạc tỉ; Máy bay bà già, phi công trẻ; Trả dép tôi về; Lặn không sủi tăm…
Ngoài ra, do là một nhà nghiên cứu đã từng tốt nghiệp cao học với đề tài “Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt)”, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh (2005), nên trong tập sách này, ông Nguyễn Quang Thọ đã trình bày quan điểm về thành ngữ. Thành ngữ là gì - vốn là vấn đề mà trước nay nhiều nhà nghiên cứu chưa đồng thuận về định nghĩa. Để từ đó, người đóc có thể sâu hơn về thành ngữ của Việt Nam, vì vậy đây còn có thể coi là một tập sách có xu hướng đi sâu vào lãnh vực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học.
Tác giả Nguyễn Quang Thọ cho biết, cuốn sách này không giúp bạn trả lời được hết mọi câu hỏi, thậm chí còn làm bạn đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng chúng tôi hy vọng đem đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa theo chúng tôi là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển… Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã.
Theo Báo Tin tức