Quyết sách ''giữ chân'' nhân viên y tế

24/02/2023 07:38

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 2 năm gần đây, đã có 9.680 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc, bỏ việc

Theo nghị định, mức phụ cấp được nâng từ 40% lên 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh...

Có thể mức phụ cấp tăng thêm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng đã cho thấy sự phản ứng kịp thời, gỡ một nút thắt quan trọng về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế cơ sở và tạo hiệu ứng lan tỏa không chỉ trong ngành y tế, mà trong toàn xã hội.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 2 năm gần đây, đã có 9.680 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc, bỏ việc; trong đó có 8.810 nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tại Hải Dương, đã có gần 200 nhân viên y tế nghỉ việc. Thực trạng trên cho thấy vấn đề: Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực đối với ngành y tế đã bộc lộ những bất cập. 

Có khá nhiều lý giải cho tình trạng nhân viên y tế rời khỏi y tế công, nhưng tựu trung vào 3 nguyên nhân chính: Áp lực công việc nặng nề; điều kiện làm việc kém, nhất là ở cơ sở y tế tuyến huyện, xã; thu nhập không tương xứng, nếu không muốn nói là thấp.

Việc nhân viên y tế xin nghỉ việc chắc chắn để lại những hệ lụy, như gây xáo trộn về nhân sự tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là làm ảnh hưởng lớn đến năng lực khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Khi một nhân viên y tế nghỉ việc, cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm đào tạo, huấn luyện để được một cán bộ có tay nghề và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của một nghề đặc thù. Trong khi đó, bản thân nhân viên y tế cũng thiệt thòi khi mất cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp ở các cơ sở y tế công lập. Thiếu hụt nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế công lập chắc chắn không bảo đảm. Nói khác đi, người bệnh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhất khi đội ngũ nhân viên y tế thiếu hụt. 

Không phải đến bây giờ những bất cập trong chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế mới được nhìn nhận và khi đất nước phải đương đầu với đại dịch Covid-19, thì vấn đề này nhận được sự quan tâm của dư luận. Giai đoạn cả nước phải căng mình chống đại dịch, đội ngũ nhân viên y tế đã nêu tấm gương sáng về sự hy sinh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đối diện với hiểm nguy, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Trong điều kiện cơ chế, chính sách chưa theo kịp với thực tiễn, đời sống, thu nhập của các y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, họ đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt, góp phần không nhỏ vào thành công chung của cả nước, tô thắm hình ảnh người “chiến sĩ áo trắng” giàu tâm, đức, giỏi về chuyên môn.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế, theo hướng bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách còn thiếu, hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể là chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, chính sách ưu đãi đặc thù, cơ chế hỗ trợ học viên, sinh viên ngành y khi tốt nghiệp ra trường…

Đến thời điểm này, khi Nghị định 05/2023/NĐ-CP ra đời đã cho thấy sự chỉ đạo sát sao, sự thích ứng nhanh nhạy, kịp thời của Chính phủ, của ngành y tế. Đây là quyết sách không chỉ nhằm “giữ chân” cán bộ, nhân viên y tế, mà còn góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân của hệ thống y tế công.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết sách ''giữ chân'' nhân viên y tế
    ss