Để bình ổn giá thị trường cuối năm rất cần có sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự chung tay của tất cả các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và cả người dân, hy vọng sẽ hạn chế thấp nhất sự tăng giá hàng hoá.
|
Lực lượng kiểm tra liên ngành kiểm tra mặt hàng gas tại Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh dầu khí Việt Hải (Cẩm Giàng) |
Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 2,38% so với tháng trước đó và tăng 9,21% so với tháng 12 năm trước. So với các tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 có mức tăng đột biến. Một số mặt hàng có mức tăng cao như nhóm hàng lương thực tăng 11,35% so với tháng trước, tăng 29,55% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng thực phẩm tăng 4,31% so với tháng trước, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm trước... Về bản chất, sự biến động giá cả của nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm không phải vì nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, mà do yếu tố giá nguồn cung tăng cao. Nguyên nhân do giá lương thực, thực phẩm các tỉnh phía Nam tăng, cùng với đợt lũ lụt kéo dài ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn; việc tập trung hàng hóa đưa vào cứu trợ miền Trung dẫn tới phân tán nguồn hàng. Thêm vào đó, các mặt hàng chính như gas, vật liệu xây dựng... tăng giá đã góp phần làm biến động giá của nhóm hàng này. Ngoài ra, có tình trạng một số mặt hàng bị các tư thương vin cớ tùy tiện “đẩy giá” lên, tạo nên một mặt bằng giá mới.Trước tình hình trên, để tránh hiện tượng độc quyền, cạnh tranh không đúng quy định về giá, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trốn lậu thuế..., UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát các quy định về giá, thương mại trên địa bàn tỉnh từ ngày 17 đến 30-11-2010. Đoàn đã kiểm tra 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa, xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng... Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các đơn vị kinh doanh chủ yếu vi phạm về ghi nhãn hàng hoá, điều kiện kinh doanh, vệ sinh, an toàn thực phẩm và vi phạm về niêm yết giá, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh, sang chiết gas, vật liệu xây dựng như Công ty TNHH Gia Vũ, cửa hàng kinh doanh gas Bằng Trúc, Huy Hà (TP Hải Dương), Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh dầu khí Việt Hải (Cẩm Giàng), Công ty TNHH một thành viên Trung Thành (Chí Linh).
Bên cạnh việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tiến hành rà soát và củng cố hệ thống phân phối hàng hóa từ khâu sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng. Để bảo vệ sức mua hàng hóa, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tính lại tiền lãi, cắt giảm chi phí, chủ động nguồn vốn và ký kết hợp đồng cung ứng hàng hoá với các đối tác trong và ngoài tỉnh, bảo đảm không bị khan hiếm hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với giá cả hợp lý, đưa hàng đến nơi nào có hiện tượng sốt giá hoặc tăng giá cục bộ. Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là mặt hàng pháo nổ, hóa chất độc hại, văn hóa phẩm độc hại, thuốc lá ngoại nhập lậu, giả, rượu giả, rượu nhập lậu… Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm dịch tại các chốt kiểm dịch động vật; kiểm tra, xử lý các vi phạm về vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch thú y ra vào tỉnh; phối hợp với cơ quan thú y, y tế địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong tháng 11, chi cục đã phát hiện, xử lý 106 vụ gian lận thương mại, trong đó tập trung xử lý vi phạm về giá với 17 vụ, tăng 10 vụ so với tháng 10. Tổng giá trị tiền phạt và hàng tịch thu hơn 300 triệu đồng, trong đó thu phạt hơn 95 triệu đồng. UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến giá cả và cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn quản lý, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường bảo đảm mọi mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, công khai giá tại các điểm kinh doanh, nhất là ở các chợ; kiểm soát, phòng, chống dịch, bệnh ở gia súc, gia cầm. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về giá và thị trường theo quy định. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định.
Theo Sở Tài chính, thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm nhiều, lại đang mùa xây dựng và lượng ngoại tệ chuyển về nước nhiều hơn là những yếu tố tác động trực tiếp tới giá cả thị trường. Nhiều nhóm hàng như: lương thực, thực phẩm, chất đốt, đồ uống, vật liệu xây dựng… dự báo tiếp tục có biến động về giá (mặc dù nguồn hàng cung ứng khá phong phú). Đây cũng là thời điểm lượng hàng cung ứng ra thị trường lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân đón Tết nên các đối tượng xấu thường lợi dụng buôn lậu, tung ra hàng giả, hàng kém chất lượng… Từ thực tế đó, tỉnh ta tiếp tục chủ động có biện pháp hữu hiệu bình ổn giá. Việc kiểm tra giá của đoàn kiểm tra liên ngành thời gian tới sẽ đi sâu vào nhóm hàng tiêu dùng, bởi đây là nhóm mặt hàng các chủ cửa hàng thường xuyên lợi dụng sự biến động về giá cả để đẩy giá lên. Việc bán hàng theo giá niêm yết sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm để người dân an tâm khi mua sắm hàng Tết. Về hình thức kiểm tra, chỉ đến ngày “tác chiến”, các thành viên trong đoàn mới được biết địa điểm và cơ sở sẽ kiểm tra. Áp dụng biện pháp xử phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm, thay cho hình thức nhắc nhở trước đó.
Để bình ổn giá thị trường thời điểm cuối năm là một việc làm khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và cả người dân, hy vọng sẽ hạn chế thấp nhất sự tăng giá của hàng hoá trên thị trường.
N.Q