Các cơ sở đào tạo phải chọn sách giáo khoa xong trước tháng 4.2020, với quỹ thời gian quá ngắn như vậy, liệu giáo viên có đủ thẩm thấu để chọn được những cuốn phù hợp?
Nhiều băn khoăn
Năm 2020, thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết 88 Quốc hội, giám đốc sở giáo dục và đào tạo (GDĐT) có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở giáo dục, mà cụ thể ở đây là các trường tiểu học, các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK).
Các trường sẽ thành lập hội đồng chọn SGK gồm các thành phần như tổ trưởng chuyên môn, giáo viên, phụ huynh học sinh... Những cuốn sách được chọn phải đạt 50% số phiếu của thành viên hội đồng.
Dự thảo thông tư cũng yêu cầu những người được giao nhiệm vụ chọn sách phải đọc hết tất cả các SGK được Bộ trưởng GDĐT phê duyệt đạt, có nghĩa là phải đọc hết 38 cuốn, gồm cả tiếng Anh.
Giáo viên mong muốn sớm được tiếp xúc với các cuốn SGK mới
Trong khi đó, sau khi thông tư chọn sách ban hành, những người chọn sách chỉ có 60 ngày để vừa đọc vừa đưa ra ý kiến. Trưởng phòng GDĐT một huyện của tỉnh Nam Định cho biết, hiện chưa có động thái nào của Sở GDĐT về vấn đề này.
Các giáo viên trong các trường của huyện cũng chưa được tiếp xúc với bất kỳ một cuốn SGK mới nào. Bản thân vị trưởng phòng này cũng thế. Điều mà vị trưởng phòng lo ngại là nếu mỗi trường đều phải có đầy đủ tất cả các cuốn SGK đã đạt thì kinh phí để mua sách lấy ở đâu.
Giám đốc Sở GDĐT Nam Định Cao Xuân Hùng khẳng định, sở đang họp để xây dựng kế hoạch chọn SGK lớp 1 cho năm học tới. Về nguyên tắc, chọn SGK không có gì khó khăn. Vì tất cả các cuốn SGK đều được Bộ GDĐT công nhận đạt. Không những thế, với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên dạy theo chương trình, không dạy theo SGK nên không có gì băn khoăn.
Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết đang xây dựng kế hoạch chọn SGK. Trước mắt, sở sẽ tổ chức hội thảo mời tất cả các nhà xuất bản (NXB) có SGK được phê duyệt đợt này giới thiệu về các bộ SGK.
Như thế, các giáo viên có cơ hội để tiếp xúc với tất cả các bản SGK đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ông Bình băn khoăn về kinh phí để mua tất cả các cuốn SGK cho các trường để chọn.
“Thầy bói xem voi”
Là giáo viên được tham gia giảng dạy thực nghiệm SGK môn tiếng Việt mới thời gian qua, cô N.T.A (ở Hà Nội) cho biết, tuy may mắn hơn các đồng nghiệp khác nhưng cô cũng như học sinh mới chỉ được tiếp xúc với một cuốn trong số 5 cuốn SGK tiếng Việt mới. Đó mới chỉ là tiếp xúc một phần, nên không thể đánh giá được các cuốn SGK đạt yêu cầu như thế nào.
Thầy T.V.T - giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội bày tỏ những lo lắng trên một diễn đàn chuyên môn có vài chục nghìn thành viên rằng, thời gian quá ngắn để thẩm thấu 5 bộ SGK do Bộ GDĐT công bố. “Chưa kịp tìm hiểu kỹ đã phải chọn rồi. Chọn rồi thì không được chọn lại, có vẻ căng như dây đàn” - thầy T.V.T chia sẻ.
Thầy Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 15.10, thị trấn Mộc Châu (Sơn La) cho biết quan điểm của Ban giám hiệu nhà trường là chọn SGK phù hợp với đối tượng học sinh, tức yếu tố vùng miền là điều quan trọng nhất.
Điều này được ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT đề cập đến rất nhiều lần tại các cuộc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán. Ông Thái Văn Tài lưu ý khi chọn SGK, từ hình ảnh, từ ngữ người chọn SGK cần quan tâm để phù hợp với học sinh. Những hình ảnh, ngôn ngữ quen thuộc học sinh sẽ thấy thích thú, dễ học hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho hay, quan trọng là phương pháp tiếp cận. Ông Thành phân tích, khi thành lập hội đồng thẩm định, giáo viên chỉ phải tiếp cận 5, 6 cuốn mỗi môn. Các thành viên hội đồng không phải tiếp cận lần lượt từ đầu tới cuối cuốn sách, mà chỉ xem xét đến cấu trúc, tính khái quát của từng cuốn, tính phù hợp với từng địa phương của từng bộ sách.
Qua đó, giáo viên lựa chọn bộ sách theo hướng dẫn. “Đơn cử trong một bài giảng, có các chữ, các hình, giáo viên căn cứ vào chữ, vào hình đó, sẽ hình dung ra lối tư duy, lối phát triển năng lực theo hệ thống, cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề của cuốn sách mang lại. Qua đó, giáo viên nắm bắt được mạch xuyên suốt cuốn sách và sẽ có quyết định lựa chọn cuốn sách nào” - ông Thành so sánh.
Trao đổi về quỹ thời gian, với nhiều lo ngại từ phía giáo viên khi cho rằng không đủ để trải nghiệm, thẩm thấu các cuốn SGK mới, ông Thành cho rằng trước khi các bộ sách đến với giáo viên, tác giả đã tổ chức dạy thử.
Còn với các thầy, cô, nếu có thời gian dạy thử được thì tốt, không thì cũng không nhất thiết. Bởi lẽ, các SGK mới thay đổi căn bản phương pháp tiếp cận, hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong việc cảm nhận cuốn sách cũng như bài giảng, họ sẽ nhanh chóng nhận ra thông điệp của cuốn sách để truyền tải đến học trò của mình.
Tại các trường học Hà Nội, nhiều thầy cô mong muốn sớm được tổ chức tập huấn về công tác lựa chọn SGK. Đến thời điểm này, giáo viên vẫn chưa có sách trong tay, trong khi vài tháng tới đã chốt SGK. Nếu không được nghiên cứu, lựa chọn kỹ nhằm tìm được bộ sách phù hợp, thì giáo viên và học sinh sẽ cùng vất vả, công tác dạy học không đạt được hiệu quả như mong muốn. |
Theo Tiền Phong