Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ

15/06/2010 05:52

Hầu hết các loại hình bán buôn, bán lẻ đều hình thành tự phát, chưa được quy hoạch và định hướng thống nhất; chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; diện tích dành cho phát triển hạ tầng thương mại, nhất là các cơ sở bán lẻ chưa được đưa vào quy hoạch hay quy hoạch chưa rõ ràng...


Nhiều người tới cửa hàng tự chọn để mua sắm hàng hóa
Những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là các chợ, các hộ kinh doanh bán lẻ nhóm hàng vật tư nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm, văn hóa phẩm... phát triển khá nhanh. Đến nay, tỉnh ta có 1 kho làm chức năng trung chuyển, tập kết hàng hóa; 2 kho dự trữ xăng dầu; 1 chợ đầu mối nông sản hàng hóa; 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 176 chợ... Tuy nhiên, hệ thống này còn bộc lộ những hạn chế. Hầu hết các loại hình bán buôn, bán lẻ đều hình thành tự phát, chưa được quy hoạch và định hướng thống nhất; chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; diện tích dành cho phát triển hạ tầng thương mại, nhất là các cơ sở bán lẻ chưa được đưa vào quy hoạch hay quy hoạch chưa rõ ràng...

Hiện nay, thu nhập bình quân một người trên địa bàn tỉnh ta là 11,6 triệu đồng/năm. Dự kiến đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người; dân số là 1.915.000 người. Với số dân và mức thu nhập này, hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải có những thay đổi lớn. Kho trung chuyển, tập kết, dự trữ hàng hóa rộng 15 ha nằm trên địa bàn phường Việt Hoà (TP Hải Dương), thời gian tới sẽ được mở rộng lên 27 ha. Những nơi có tốc độ luân chuyển hàng hoá, nhu cầu mua sắm lớn đều xây dựng các kho chứa hàng như: 1 kho nông sản gắn với chợ đầu mối nông sản Gia Lộc, 1 kho hàng hóa cạnh chợ Sao Đỏ (Chí Linh). Do tỉnh ta không có cảng nước sâu để tiếp nhận nguồn  xăng dầu nhập khẩu và cách xa các nhà máy lọc dầu nên việc quy hoạch kho xăng dầu đóng vai trò quan trọng. 2 kho hiện có của Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 có dung tích 20 nghìn m3 đặt tại huyện Kinh Môn và của Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương có dung tích 13.201 m3 đặt tại TP Hải Dương. Tỉnh đang triển khai dự án xây dựng kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu B12 có dung tích 110 nghìn m3 và dự án xây dựng kho xăng dầu của Công ty TNHH An Thắng có sức chứa 1.000 m3. Đồng thời, dự kiến sẽ phát triển thêm 1 kho xăng dầu trên địa bàn xã Thăng Long (Kinh Môn), diện tích 5 ha, dung tích khoảng 20 nghìn  m3; 1 kho xăng dầu trên địa bàn xã Tái Sơn (Tứ Kỳ), diện tích 3 ha, dung tích khoảng 10 nghìn m3. Trên địa bàn TP Hải Dương, phát triển thêm 1 trung tâm đại diện thương mại tại đường Hồng Quang  (phường Quang Trung) với diện tích 15 nghìn m2, vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sẽ xây mới trung tâm thương mại (trên trung tâm thương mại cũ) có diện tích 1.000 m2, cao từ 15 đến 20 tầng; xây dựng thêm 1 trung tâm thương mại bán buôn tại xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) có diện tích khoảng 15 ha. Tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, hiện đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản tập trung. Vì vậy sẽ hình thành các chợ đầu mối phù hợp với đặc điểm của từng vùng nông sản như: chợ Văn Thai (Cẩm Giàng), chợ Đọ (Ninh Giang), chợ Thanh Xá (Thanh Hà), chợ Đồng Gia (Kim Thành)...

Cùng với mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ cũng được quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương và bảo đảm sự thuận lợi trong mua bán, kinh doanh của người dân. Sẽ xây dựng 5 trung tâm mua sắm tại  các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá, lưu lượng hàng hoá vận chuyển lớn là Bình Giang, Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách và thị xã Chí Linh,  với tổng diện tích 21 nghìn m2, kinh phí 1.190 tỷ đồng. Tại TP Hải Dương, cải tạo một số chợ thành siêu thị với nhiều cấp độ khác nhau cho phù hợp với xu hướng văn minh thương mại đồng thời xây dựng 8 siêu thị tại các huyện Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành và Thanh Hà với kinh phí 79,5 tỷ đồng trên diện tích 15.500 m2. Mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 15 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2 và 109 chợ hạng 3. Ngoài ra, mạng lưới bán lẻ xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thiết bị trường học, sản phẩm y tế... cũng được quy hoạch theo hướng gắn sát với địa bàn, bám các trục đường giao thông; chú trọng xây dựng các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp dịch vụ - thương mại phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng các  HTX là đầu mối, đại diện cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp để giao dịch, đàm phán với các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

Để việc quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đạt được mục tiêu đề ra, việc  huy động và phân bổ các nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Cần huy động vốn theo phương châm đa dạng hoá, xã hội hoá. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ loại 2, loại 3 ở các địa phương. Vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng các chợ đầu mối chuyên doanh hoặc chợ đầu mối bán buôn hàng nông sản, thực phẩm. Cần quan tâm, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thuê đất như ưu đãi về thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng...

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ