Bất động sản

Quy định rõ về đặt cọc là cần thiết để bảo vệ người mua nhà

PV 29/08/2023 15:36

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.

chinga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu sáng 29/8

Sáng 29/8, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tham gia góp ý vào dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận thấy, dự án luật này nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đại biểu góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Đại biểu cho rằng, nếu không có quy định về đặt cọc, đặc biệt là số tiền đặt cọc tối đa và về thời điểm đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối. Thực tế hiện nay cho thấy, việc đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn do thiếu những quy định này. Từ đó dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30%-50% tổng giá trị của công trình…

Dự thảo luật đưa ra hai phương án về đặt cọc, trong đó phương án 1 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.​
Phương án 2 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này.
Đại biểu Nga nhất trí với phương án 1, cho rằng những ràng buộc như vậy vừa bảo đảm chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại về pháp lý, vừa tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa bảo đảm các yêu cầu thủ tục, chưa được thẩm định, dẫn đến việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép, lừa lấy tiền cọc của người mua hoặc mất cả năm thanh toán trả lại tiền cọc cho người mua…

Nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.

“Nếu quy định thời điểm đặt cọc như phương án 2 thì người mua không bị tác động nhiều nhưng về phía chủ đầu tư, phía người bán sẽ gặp trở ngại, khó khăn trong tính toán kinh doanh”, đại biểu Nga nói.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định rõ về đặt cọc là cần thiết để bảo vệ người mua nhà