Quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

11/03/2021 08:35

Từ năm 2022, hộ nghèo là gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực nông thôn...

Nghị định 07/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27.1.2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu lực từ 15.3.2021.

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021

Từ ngày 1.1.2021, tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2021.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025

* Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025:

- Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm:

(1) Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

(2) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

(3) Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

* Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025

- Chuẩn hộ nghèo: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực nông thôn. Hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực thành thị.

- Chuẩn hộ cận nghèo: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực nông thôn. Hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực thành thị.

- Chuẩn hộ có mức sống trung bình: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng ở khu vực nông thôn. Hoặc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng ở khu vực thành thị.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025.

Bên cạnh đóm tại khoản 7 Điều 4 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; việc rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thứ hai,  tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hằng năm; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình hằng năm.

Thứ ba, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn.

Thứ tư, căn cứ điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể nâng tiêu chí thu nhập cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia với điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật và bổ sung tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (dịch vụ, chỉ số thiếu hụt), điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Theo VGP

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025