Quy chế tuyển sinh mới gây bất lợi cho các trường đại học?

16/04/2022 20:01

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lên tiếng trước một số băn khoăn quy chế tuyển sinh 2022 sẽ gây bất lợi cho các trường đại học.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh năm 2022 chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật, khắc phục những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Quy chế mới với mục tiêu bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh và công bằng giữa các cơ sở đào tạo.

Điểm đáng chú ý nhất của quy chế mới năm nay là thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT. "Việc đăng ký xét tuyển này không phải là đăng ký xét tuyển "chỉ 1 lần". Mà trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể đăng ký rồi điều chỉnh các nguyện vọng nhiều lần, cho tới khi công bố xong kết quả thi tốt nghiệp THPT và cả kết quả chấm thi phúc khảo. Khoảng thời gian này đủ dài để các em điều chỉnh nguyện vọng phù hợp nhất với năng lực và mong muốn ưu tiên nhất", Vụ trưởng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

Nhờ đó, thí sinh hoàn toàn chủ động về thời gian và nội dung đăng ký xét tuyển. Đồng thời điều chỉnh này cũng tiết kiệm chi phí chung của hệ thống và xã hội khi hệ thống mở nhận đăng ký xét tuyển trong 1 đợt thay vì 2 đợt như trước đây.

Về lý do năm nay Bộ GD&ĐT đưa ra phương án lọc ảo chung cho tất cả các trường, các phương thức xét tuyển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, những năm qua, một số trường đại học đơn phương hoặc thống nhất với thí sinh về việc trúng tuyển nhưng không tải danh sách đó lên hệ thống để Bộ loại ra trước khi xử lý nguyện vọng chung cả nước. Điều đó tạo ra tình trạng nhiều thí sinh đồng thời trúng tuyển tại các trường, ngành, làm ảnh hưởng (tăng số thí sinh ảo) tới các trường khác và các thí sinh khác.

Việc cùng một lúc 1 thí sinh đỗ ở nhiều trường khác nhau (bằng các phương thức xét tuyển khác nhau) sẽ dẫn tới tình trạng gia tăng số thí sinh ảo. Điều này cũng đồng nghĩa làm mất đi cơ hội trúng tuyển của các em khác đang có cùng nguyện vọng vào các trường, ngành học tương ứng mà cuối cùng thí sinh ban đầu lại không lựa chọn.

"Hiệu ứng domino này sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn tới nhiều thí sinh khác phía sau. Cần lưu ý, hàng năm có gần 1 triệu thí sinh tham gia xét tuyển vào đại học, trong khi số lượng chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn hệ thống là khoảng 550.000. Hơn nữa, các trường càng khó dự đoán số thí sinh thực sự sẽ nhập học để đưa ra các quyết định tuyển sinh phù hợp, do vậy ảnh hưởng mạnh mẽ tới kết quả tuyển sinh", vị lãnh đạo nói.

Do đó, hệ thống xử lý nguyện vọng năm nay sẽ chạy cho mọi phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT

Trước một số lo lắng việc lọc ảo chung năm nay ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường, bà Thủy khẳng định, việc này không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của trường trong công tác tuyển sinh.

Các trường phải chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin dữ liệu của thí sinh khi các em đăng ký xét tuyển theo các phương thức (ngoài xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT) của nhà trường như hàng năm. Khi xét thấy thí sinh đã trúng tuyển theo các phương thức đó, trường có thể thông báo cho thí sinh biết đủ điều trúng tuyển để thí sinh biết.

Về phía thí sinh, nếu ngành trúng tuyển là sự lựa chọn của thí sinh thì các em phải điều chỉnh thứ tự nguyện vọng phù hợp để hoàn thành quy trình xét tuyển. Ví dụ, thí sinh Nguyễn Văn A đỗ vào Đại học B bằng phương thức xét học bạ (đã được nhà trường thông báo trước thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển). Thì khi Bộ mở cổng đăng ký, các em cần đăng ký và đặt nguyện vọng đầu tiên vào trường, ngành đã đỗ ở Đại học B. Như vậy, sẽ tránh tình trạng thí sinh ảo như các năm trước, một em chỉ đỗ vào một trường duy nhất.

Bên cạnh đó, việc xử lý lọc ảo các nguyện vọng của thí sinh năm nay sẽ triệt để khắc phục tình trạng một số trường gây khó cho thí sinh khi yêu cầu nhập học sớm, yêu cầu nộp trước các khoản phí giữ chỗ khi xác nhận nhập học.

Một số điểm mới đáng chú ý

Năm nay, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia; Thí sinh đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định từ sau khi kết thúc thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả và cả điểm phúc khảo; Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực;

Bộ yêu cầu các trường THPT cập nhật kết quả học bạ của thí sinh lên cổng thông tin để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển.

Mặt khác, Bộ cũng đề nghị các trường giải trình việc tăng, giảm phương thức, chỉ tiêu xét tuyển từng ngành học. Các trường phải có lộ trình giảm số chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển (không giảm quá 30% chỉ tiêu so với năm ngoái), tránh ảnh hưởng tới học tập, ôn luyện của các thí sinh.

Bộ yêu cầu các trường dự thảo các phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, đồng thời công bố công khai trong đề án tuyển sinh của mình.

Theo VTC News

(0) Bình luận
Quy chế tuyển sinh mới gây bất lợi cho các trường đại học?